Ông Trần Đức Cảnh, nguyên Giám đốc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của bang Massachusetts (Mỹ).
Bộ Giáo dục và đào tạo vừa công bố xin ý kiến rộng rãi dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên, thực tế bao năm nay đã bộc lộ rõ, càng sửa càng rối! Làm thế nào để sửa đổi một cách toàn diện hơn, giải quyết được những nút thắt quan trọng nhất, hướng đến một nền giáo dục nhân bản và khai phóng vẫn còn là một câu hỏi lớn.
TheLEADER thực hiện chuyên đề về giáo dục với sự tham gia của ông Trần Đức Cảnh, bàn sâu về những vấn đề nóng nhất trong giáo dục trung học, đại học hiện nay, những mô hình đầu tư giáo dục đúng nghĩa và những góp ý mang tính phản biện toàn diện hơn nhìn từ góc độ quốc tế và Việt Nam.
Ông Trần Đức Cảnh nguyên là Giám đốc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của bang Massachusetts (Mỹ), Ủy viên Hội đồng liên trường đại học vùng Đông Bắc bang, nhiều năm làm cố vấn tuyển sinh cho Đại học Harvard. Ông được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bổ nhiệm vào Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2017 – 2021. Sống ở nước ngoài hơn bốn thập niên nhưng ông luôn quan tâm đến các vấn đề giáo dục nước nhà, đặc biệt đã giúp kết nối các chương trình giáo dục và học bổng Hoa Kỳ với Việt Nam. |
Bài 1: Cần cả làng để giáo dục một đứa trẻ
Giáo dục hiện nay đang rất nóng, ở tất cả mọi khâu, từ mẫu giáo, tiểu học, trung học và đại học… khiến cho người dân rất quan tâm lo lắng, dường như Việt Nam đang đối diện với một thách thức toàn diện trong việc giáo dục một đứa trẻ thành người?
Ông Trần Đức Cảnh: Ngạn ngữ Châu Phi “cần cả làng để giáo dục một đứa trẻ” có ý nghĩa lớn tại Việt Nam lúc này. Sự thiếu gắn kết giữa các bộ phận liên quan đến giáo dục, đặc biệt là giáo dục tiểu học đến trung học, khiến các vấn đề trở nên phức tạp hơn. Để giải quyết các vấn đề của giáo dục, cần giải pháp dài hạn và phải đến từ nhiều phía: gia đình, nhà trường, xã hội, sở và Bộ Giáo dục và đào tạo, chính quyền địa phương…
Hai thập niên gần đây chúng ta thấy ra đời một số trường quốc tế, trường tư thục đáp ứng một phần nhu cầu đa dạng ở bậc tiểu và trung học. Quy mô trường quốc tế và trường tư phát triển tương đối mạnh ở các thành phố lớn, riêng các tỉnh thì chủ yếu là trường công, nên sự chọn lựa gần như không có hay rất giới hạn.
Từ lâu hệ thống giáo dục Việt Nam lấy trường học làm trung tâm thay vì học sinh. Do bản chất của hệ thống giáo dục công lập của Việt Nam theo mô hình cứng và giáo điều nên khả năng linh động kém và thiếu tính đa dạng, lắm khi không đáp ứng được nhu cầu của xã hội, nên không ít trường hợp bị rơi vào khoảng trống.
Trong khi đó, động cơ đổi mới rất yếu, một phần có thể vì ngại “trách nhiệm” hay lo vướng cơ chế. Do sự thay đổi chậm, nên các vấn đề giáo dục phổ thông càng trở nên cấp bách và phức tạp hơn.
Một số vấn đề nổi cộm của giáo dục hiện nay không mới, tuy nhiên có thể là do báo chí quan tâm cùng với sự phát triển mạnh của mạng xã hội những năm gần đây đã góp phần không nhỏ về nhận thức đối với các vấn đề nóng, đó là điều tích cực… ngược lại cũng tạo thêm sự lo lắng, búc xúc cho gia đình và xã hội.
Xã hội đang còn trong quá trình chuyển đổi, nhu cầu phát triển và năng động hơn, đi trước xa so với sự thay đổi cấu trúc, cơ chế xã hội, sự mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi.
Do đó, để giải quyết các vấn đề giáo dục một cách hiệu quả, cần có cơ chế tương tác linh hoạt giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng các vấn đề liên quan. Một cơ chế chính quyền “phục vụ dân sinh” sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề lớn của xã hội chứ không riêng gì giáo dục.
Phải chăng trách nhiệm học sinh, gia đình, nhà trường, cộng đồng, chính quyền… thiếu tính tương tác, khiến cho một đứa bé vô trường học khác, bước ra đường hoàn toàn khác?
Ông Trần Đức Cảnh: Cách giải quyết các vấn đề giáo dục tại địa phương hiện nay nhanh chóng và hiệu quả, nhà trường nên xem gia đình là đối tác không thể thiếu trong việc giáo dục, ngoài ra các tổ chức xã hội, doanh nghiệp cũng có thể tham gia đóng góp một phần vào việc xây dựng cộng đồng giáo dục.
Những thực tế xảy ra ở rất nhiều gia đình, nhiều nơi trong xã hội, thậm chí ngay trước cổng trường … giáo dục tại trường lớp quá khác xa, mâu thuẫn với thực tế xảy ra hằng ngày. Xét ra thì bản thân của giáo dục nhà trường không thể nào tách ra hẳn các thực tế đang diễn ra hằng ngày trong xã hội.
Một khi xã hội nhận thức rằng để giáo dục một học sinh thành công, việc này không phải chỉ giao cho nhà trường mà cần gia đình và cộng đồng tham gia. Môi trường sống và học tập phải đi đôi, bổ sung cho nhau, nếu không thì khả năng thành công không cao.
Ở Mỹ rất nhiều trường trung học và đại học nội trú nổi tiếng, nằm ở các thành phố nhỏ hoặc xa thành phố, quan niệm là nếu không thay đổi được môi trường sống và học tập, thì tạo ra riêng, cho thấy môi trường quan trọng biết chừng nào.
Theo ông, làm thế nào tạo ra những chuẩn mực ở quy mô lớn, để có một cái nhìn toàn diện hơn về triết lý giáo dục, về môi trường, xã hội, tính đồng bộ và liên tục trong giáo dục… nhằm phát triển con người cho thế kỷ 21 và xa hơn ?
Ông Trần Đức Cảnh: Hơn bất cứ lãnh vực nào hết, từ “sai một ly, đi một dặm” vô cùng đúng trong giáo dục. Giáo dục không đúng hướng có thể ảnh hưởng ít nhất đến 5 – 7 thế hệ, dẫn đến suy vong của cả một dân tộc cả hàng 100 năm. Triết lý giáo dục nghe ra rất mơ hồ và trừu tượng, nhưng là kim chỉ nam của một nền giáo dục. Triết lý giáo dục đã ăn sâu trong tôi là Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng.
Trước khi một đứa bé bắt đầu học chữ, đã được dạy cách ứng xử, học cách tiếp cận nhân văn với người, xã hội và môi trường sống xung quanh. Ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng câu “Tiên học lễ – Hậu học văn”, nhưng “nhân bản” nên hiểu rộng và bao hàm hơn từ “lễ”, một xã hội nhân bản bao giờ cũng phát triển tốt và đáng sống hơn.
Chúng ta đang sống trong dòng chảy hội nhập thế giới, hơn bao giờ hết cốt lõi văn hóa, tinh hoa dân tộc cần được bảo tồn, phát huy và đất nước phải được gìn giữ.
Yếu tố khai phóng là điều tất yếu trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Lý do học tập là để khai phóng tiềm năng và nội lực của chính mỗi con người, từ đó mới góp phần cho sự phát triển sáng tạo ở từng bậc thang trí tuệ.
Gần đây chúng ta nói nhiều về phát triển công nghệ 4.0, và khả năng các robot thay thế phần lớn công việc lao động trong các nhà máy một cách rất hiệu quả. Điều đó đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, nếu chúng ta không nhanh chóng khai phục lại nền giáo dục khai phóng, thay vì làm ra robot và quản lý nó, nguy cơ là nguồn lao động chúng ta mất việc vì các robot, hay chỉ có thể làm các công việc phụ trợ.
Hiện nay, làn sóng du học đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn từ đại học đã lan xuống trung học, những bất hợp lý nào từ chuyện này?
Ông Trần Đức Cảnh: Số gia đình cho học sinh học ở các trường tư thục, quốc tế trong nước ngày càng nhiều, một số có cơ hội đi du học tự túc ở các nước phát triển, cũng có trường hợp nhận được học bổng. Tôi cho đây là điều bình thường ở giai đoạn phát triển của nhiều nước.
Tuy nhiên, điều đáng lo là đại bộ phận học sinh trong nước không có được sự chọn lựa đó và phải tiếp cận với hệ thống giáo dục công có nhiều bất cập. Nhu cầu thay đổi cách quản lý giáo dục, chương trình và cách giảng dạy trong hệ thống giáo dục hiện nay rất lớn, nhưng sự thay đổi còn rất chậm.
Xã hội đang thôi thúc một cuộc cải cách giáo dục toàn diện và động cơ cải cách phải đặt đúng chỗ, đúng hướng .. mới mong vực dậy toàn nền giáo dục.
Vấn đề bạo lực học đường cũng đang là vấn đề rất nóng, như vụ xử cô giáo quỳ, cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng… về phía nhà nước rất lúng túng, không thể xử từng trường hợp cụ thể, theo ông nên xử lý thế nào?
Ông Trần Đức Cảnh: Bạo lực trong trường học thì ở đâu và nước nào cũng có, chỉ khác nhau ở mức độ và cách xử lý vấn đề từ góc độ quản lý nhà trường, chính quyền và xã hội.
Các vấn đề này không mới, nay có sự tham gia của mạng xã hội vào các vấn đề học đường, làm tăng thêm sự quan tâm lo lắng, đó là điều tích cực, tuy nhiên cũng nên cân nhắc thông tin từ nhiều chiều trước khi phán xét một vấn đề.
Đúng là những vụ xảy ra gần đây lộ rõ sự lúng túng trong quản lý nhà trường, giáo viên, cơ quan chức năng và cả về phần gia đình. Nhà trường vẫn theo lối quản lý cứng, thiếu sự linh hoạt trong cách ứng xử, trách nhiệm và giải pháp cho vấn đề.
Nền giáo dục ở các nước tiên tiến, tôn trọng, lắng nghe, trao đổi ý kiến học sinh, và khuyến khích động viên, nhưng vẫn trong khuôn khổ giáo dục nhà trường. Hơn bao giờ hết, nhà trường cần có sự tham gia tích cực, đối thoại với gia đình và có khi các tổ chức xã hội trong cộng đồng để có tiếng nói chung cho các vấn đề gặp phải.
Vậy theo ông, thế nào là mô hình trung học lý tưởng? Trách nhiệm của học trò, thầy cô, phụ huynh, nhà nước… phải kết nối với nhau thế nào?
Ông Trần Đức Cảnh: Thật khó hình dung một mô hình trung học lý tưởng trong một xã hội mà các phân mảng còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, một mô hình gắn kết các thành phần liên quan, linh hoạt và sống động trong lớp giảng dạy, lẫn các lớp kỹ năng mềm và sinh hoạt ngoại khóa.
Tôi từng giúp đại học Harvard trong công tác tuyển sinh, các tiêu chí chung cho ứng viên lý tưởng để điền vào khoảng 2.050 chỗ trống hằng năm là: Cân đối học lực và thể lực, sinh hoạt ngoại khóa và thể hiện năng khiếu; Thông minh, năng động và linh hoạt trong ứng xử; Tìm giải pháp cho các vấn đề và luôn sáng tạo trong cách giải quyết; Giá trị đạo đức cao; Định hướng mục tiêu tương lai và tư duy phát triển rõ ràng; Dù là công việc ngành nghề thế nào, tính phục vụ xã hội và công đồng vẫn coi trọng.
Để đào tạo được một lượng học sinh lý tưởng, cần một mô hình trường trung học chuẩn, từ cấu trúc quản lý đến chương trình học, nguồn lực giảng dạy, điều kiện và môi trường sinh hoạt cho học sinh.
Một số trường trong nước quá đặt nặng về học thuật, nhưng vẫn theo lối học thuộc lòng, dễ tạo sự mất cân đối trong khả năng phân tích, thiếu tính phản biện và tính sáng tạo, chưa nói đến sự thiếu quan tâm phần thể lực, kỹ năng sống và sinh hoạt ngoại khóa, phát triển tư duy và định hướng tương lai.
Một số chương trình các trường trung học quốc tế tương đối cân hơn trong giảng dạy, thể lực và sinh hoạt chung so với trường công và tư trong nước.
Một số phụ huynh nóng lòng muốn cho con cái đi du học sớm hơn, thậm chí từ lớp 8, mong thoát khỏi các vấn đề và môi trường học tập trong nước hiện nay. Nhưng nếu không căn nhắc kỹ càng và có sự chuẩn bị về mặt tâm sinh lý của con cái đi du học sớm, có khi lại tạo ra vấn đề lớn hơn.
Để tổ chức lại hệ thống đào tạo sư phạm, chúng ta cần một kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực như thế nào cho chu kỳ 5-20 năm tới và định hướng lâu hơn nữa? Để làm được điều này, công tác nghiên cứu, đánh giá cần thực hiện trên quy mô như thế nào, theo ông?
Ông Trần Đức Cảnh: Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và đào tạo chắc chắn sẽ cắt giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm, cũng như sẽ tăng yêu cầu đầu vào sư phạm. Một là, để giải quyết tình trạng thặng dư giáo viên ở một số lĩnh vực. Hai là, tăng chất lượng đầu ra trong tương lai. Tôi cho đây là quyết định đúng và cần làm ngay, sau đó là kế hoạch cân đối nhu cầu nguồn lực sư phạm lâu dài giữa các ngành, bộ môn và địa phương, tôi nghĩ đây là công việc thường xuyên của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Chúng ta vẫn kêu hoài lương bổng của giáo viên quá thấp, nếu không dạy thêm thì không đủ sống, làm thế nào để giải quyết rốt ráo vấn đề này? Việc cắt giảm số lượng thặng dư quá lớn các trường đào tạo sư phạm, cao đẳng chuyên về sư phạm… quá gấp gáp liệu có tạo ra những hệ lụy cho xã hội?
Ông Trần Đức Cảnh: Vừa rồi Bộ Giáo dục và đào tạo có đề xuất nâng mức lương của giáo viên hiện nay lên bậc cao, tuy nhiên, xét về ngân sách thì đề xuất này hiện nay không khả thi.
Tôi đồng tình với đề xuất của Bộ Giáo dục và đào tạo, tuy nhiên kế hoạch tăng lương giáo viên nên đi kèm với kế hoạch cải tổ giáo dục công hiện nay, bao gồm đánh giá lại toàn bộ hệ thống, thống nhất và chuẩn hóa chương trình đào tạo, đồng thời đáng giá, tái đào tạo lại đội ngũ giáo viên theo mô hình tiên tiến của nhiều nước, như vậy mới mong thành công.
Theo tôi nếu lực lượng giáo viên nòng cốt không sống được bằng lương thì đó là một thiệt thòi lớn cho nền giáo dục. Chỉ có tăng mức thu nhập mới dần giải quyết vấn nạn học thêm, dạy thêm, quà biếu và tiêu cực xảy ra trong hệ thống trường.
Khi động cơ sư phạm đặt đúng chỗ thì mới mong phát huy được toàn tâm, toàn lực của thầy cô giáo .. huyết mạch của nền giáo dục nước nhà.
Nguồn: http://theleader.vn/can-ca-lang-de-giao-duc-mot-dua-tre-20180507001129085.htm