Hàng năm cứ mỗi độ hè sang, du học sinh nhà NEEC lại “về nhà” để được gia hạn Visa du học Mỹ miễn phí. Trong một buổi sáng đẹp trời như thế, NEEC tụi mình có dịp phỏng vấn anh Tám, phụ huynh có hai con trai cùng đi du học ở Mỹ và Canada với rất nhiều chia sẻ thú vị và thông tin cập nhật. Mời quý phụ huynh và học sinh theo dõi.
Anh có thể tự giới thiệu đôi chút về mình không ạ?
Anh là Trần Văn Tám, kỹ sư ngành Tự động hoá. Anh có hai đứa con trai. Một bạn đang học Sau Đại học ngành Hệ thống Nhúng (Embedded System) ở Canada và một bạn đang học ngành Khoa học máy tính (Computer Science) tại Đại học Cincinnati ở Mỹ.
Sau một năm đi du học Mỹ, anh thấy con trai mình có gì khác so với hồi ở Việt Nam?
Khi đón bạn ấy ở sân bay, anh định tới ôm bạn nhưng có hơi ngập ngừng vì thấy bạn ấy đã lớn rồi. Lúc đó anh rất là cảm động.
Anh thấy bạn ấy trưởng thành hơn rất nhiều. Hồi ở nhà bạn ấy là một đứa trẻ, chỉ lo ăn học. Sau một năm ở Mỹ về, bạn ấy có sự trưởng thành về mặt tư duy, có những suy nghĩ khiến anh cũng bất ngờ. Ví dụ như bạn ấy chia sẻ rằng sức mạnh của nước Mỹ không chỉ là quân sự hay kinh tế mà chính là tính đa dạng về văn hoá. Nước Mỹ thu hút rất nhiều nhân tài đến từ rất nhiều quốc gia trên thế giới, chính điều này mang đến sự khác biệt và làm nên sức mạnh cho nước Mỹ”.
Phần lớn phụ huynh thường hay sắp xếp cho hai anh em đi học cùng một quốc gia, thậm chí học chung một trường để có thể dễ hỗ trợ, chăm sóc nhau. Vì sao gia đình mình lại quyết định cho hai bạn đi du học ở hai nước khác nhau vậy ạ?
Hai bạn nhà anh từ nhỏ đã rất hoà thuận và thương yêu nhau. Dù là hai đứa con trai nhưng hai anh em chưa bao giờ gây gỗ với nhau. Chính vì vậy mà anh muốn hai bạn tách nhau ra để mỗi bạn có thể tự trưởng thành trong môi trường mới mà ở đó mình hoàn toàn độc lập.
Thứ hai là anh cũng tôn trọng mong muốn của hai bạn. Mỗi bạn thích một môi trường học tập khác nhau. Bạn lớn rất thích Canada còn bạn nhỏ thích đi Mỹ. Bạn nhỏ học ngành Khoa học máy tính nên bạn ấy mê môi trường công nghệ phát triển như Mỹ. Hơn nữa du học Mỹ có nhiều cơ hội học bổng hơn Canada. Khi nộp hồ sơ vào ĐH Mỹ, bạn ấy nhận được học bổng từ 3 trường, có trường có mức học bổng nhiều hơn Cincinnati nhưng bạn ấy chọn trường này vì chương trình CO-OP.
Lúc biết tin bạn có học bổng của Cinninati lúc đó anh cảm thấy thế nào?
Anh rất là vui. Vì khi mới bắt đầu nghĩ đến chuyện cho con đi học, thì với điều kiện kinh tế gia đình anh thì không thể cùng lúc cho hai anh em đi du học. Ngay từ đầu những năm cấp ba, anh đã nói với con anh là nếu con muốn đi du học, con phải có học bổng thì bố mẹ mới lo được còn nếu không thì bố mẹ không lo nổi. Cho nên khi bắt đầu có trường đầu tiên thông báo có học bổng thì anh đã rất mừng.
Khi bắt đầu tìm hiểu về các trường đại học ở Mỹ, anh biết Cinninati là trường xếp hạng thứ tư trên toàn nước Mỹ về chương trình COOP. Gia đình anh đánh giá cao chương trình này của trường bởi vì trường không chỉ đào tạo cho sinh viên các kỹ năng xin việc mà khi tốt nghiệp xong các em đã có sẵn kinh nghiệm làm việc thực tế khi tham gia chương trình CO-OP.
Chương trình đại học bình thường là 4 năm, riêng chương trình COOP là 5 năm với 2 năm kinh nghiệm làm việc đúng chuyên ngành tại các công ty, tập đoàn lớn có liên kết với trường. Theo anh, 2 năm kinh nghiệm này là lợi thế cạnh tranh rất lớn khi ra trường. Sinh viên đại học khi mới ra trường thường bị hạn chế khi nhà tuyển dụng đòi hỏi có kinh nghiệm làm việc, thì khi học ở những trường có chương trình COOP thì sinh viên lại có kinh nghiệm làm việc thật, đúng chuyên môn của mình. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các bạn, cơ hội có việc làm ở Mỹ cũng cao hơn.
(Trường Đại học Cincinnati: https://www.uc.edu/)
Khi có 2 con đang đi du học ở Mỹ và Canada như vậy, anh có cảm nhận gì về sự khác biệt của hai quốc gia này?
Trước khi các bạn đi, anh cũng có tìm hiểu. Sau khi các bạn sang đấy học, anh cũng có trao đổi và nhận thấy giữa Mỹ và Canada có sự khác biệt rất nhiều.
Môi trường ở Canada có vẻ bình yên hơn, sống chậm hơn so với Mỹ, và anh có cảm giác an toàn hơn. Anh có cảm giác một bên như Sài Gòn còn một bên như tỉnh lẻ (cười).
Mỹ sôi động hơn nhưng có cảm giác xô bồ hơn. Lâu lâu đọc báo nghe tin tức thấy có vụ nổ súng này kia anh cũng lo. Nhưng khi con anh sang đó học và chia sẻ thì anh thấy cũng ko đến nỗi như vậy. Cả nước Mỹ rộng lớn với dân số đông như thế thì lâu lâu có chuyện này chuyện kia như vậy cũng bình thường, thực sự không đến nỗi như mình quá lo.
Theo suy nghĩ riêng của anh, môi trường giáo dục ở Mỹ năng động hơn các nước khác chứ không riêng gì Canada. Ở Canada sinh viên được quyền đi làm thêm 20h/tuần. Ở Mỹ SV cũng cho đi làm thêm nhưng chỉ trong khuôn viên trường đại học. Tuy nhiên, với chương trình CO-OP thì sinh viên được quyền đi làm chính thức cho doanh nghiệp hay tập đoàn có chương trình liên kết với trường theo hình thức học 4 tháng, đi làm 4 tháng. Chương trình này không giống như chương trình thực tập (Internship) vì khi phỏng vấn mình có thể thoả thuận mức lương theo năng lực của mình.
Khi cùng lúc có 2 con đi du học, khó khăn lớn nhất của gia đình mình là gì ạ?
Có 2 con cùng cho con đi du học cùng lúc thì tài chính là một vấn đề. Theo anh thì phụ huynh cần có sự chuẩn bị kỹ càng, không thể để các cháu sang đấy tự bơi hoặc trông cậy vào việc đi làm thêm được. Theo ý kiến của riêng anh thì việc đó rất là nguy hiểm.
Về tâm lý, cả gia đình có bố mẹ và hai con đang quây quần vui vẻ, thì khi các bạn đi du học hết, ở nhà chỉ còn lại bố mẹ rất là hụt hẫng, nhà cửa trống vắng hẳn.
Mình cũng cần chuẩn bị tâm lý khi các cháu sang đó không may ốm đau gì đó dù ngày nào cũng gọi điện thoại. Giả sử các bạn ở VN thì mình còn có thể chạy sang chứ ở cách nửa vòng trái đất thì không thể. Bởi vậy việc chuẩn bị tâm lý cũng rất là quan trọng để có thể sẵn sàng cho mọi tình huống.
Nếu có điều gì anh nhất định phải chia sẻ với các phụ huynh đang có ý định cho con đi du học thì anh sẽ nói điều gì?
Với kinh nghiệm của anh, ngoài tìm hiểu về tài chính và môi trường học tập, anh muốn chia sẻ một điều là phụ huynh cần cân nhắc trước khi cho con đi du học, mục tiêu của mình là gì? Con mình đam mê ngành gì? Mình chọn cho con mình học ở đâu? Học xong thì ở lại Mỹ hay Canada hay về Việt Nam để mình có chiến lược phù hợp.
Anh xem việc cho con đi du học là sự đầu tư dài hạn. Nếu muốn học xong về VN và có tài chính mạnh thì mình chọn những trường có xếp hạng cao, khi về VN chắc sẽ được coi trọng hơn.
Còn với nguồn lực tài chính vừa phải, mình không cần quan tâm đến xếp hạng lắm, mà chọn trường vừa phải với mình. Ví dụ một bạn nộp hồ sơ cho 10 trường và được chọn nhưng không có học bổng. Nếu bạn chọn những trường xếp hạng thấp hơn nhưng được cấp học bổng cao hơn, 50%, 60% thì gia đình cũng đỡ hơn rất nhiều.
Dạ, gia đình NEEC cảm ơn anh Tám rất nhiều vì những chia sẻ chân thành từ anh, chúc anh và gia đình thật nhiều sức khoẻ, gặp thuận lợi và may mắn trong công việc & cuộc sống.