Du học Mỹ vẫn sốt – Tư vấn du học NEEC

Blog

Du học Mỹ vẫn sốt

Theo TGTT – Nước Mỹ đã từng được xem là miền đất hứa của rất nhiều người dân trên thế giới đến xin tị nạn, học tập, nghiên cứu và làm việc, liệu bây giờ nó còn có là đất nước của “những giấc mơ tốt đẹp” hay không?

Ông Trần Đức Cảnh có hơn 40 năm sống, học tập và làm việc tại Mỹ. Ông có 16 năm kinh qua các chức vụ do thống đốc bang Massachusetts bổ nhiệm như giám đốc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; di trú; và an sinh xã hội. Ông từng giữ các chức vụ khác như thành viên của hội đồng Liên trường ĐH vùng Đông Bắc, cố vấn tuyển sinh cho ĐH Harvard. Trả lời PV báo TGTT về toàn cảnh du học Mỹ, ông nhấn mạnh: Việc học vẫn là điều kiện tiên quyết để các bạn mở cánh cửa đi xa.

Sau khi nhậm chức ngày 20/1 vừa rồi, Tổng thống Trump đã lập tức ký sắc lệnh về người tị nạn và cấm visa vào Mỹ một số nước. Ông nhận định thế nào về chính sách này cho đúng đắn trong hàng ngàn tin đồn gây hoang mang cho người Việt muốn đến Mỹ hiện nay?

Từ khi nhậm chức đến nay Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố hay ký ban hành một số sắc lệnh mà ông từng hứa hẹn với cử tri trong thời gian vận động tranh cử. Các đề xuất mới này gây không ít mâu thuẫn trong lòng nước Mỹ và cả thế giới.

Một trong những sắc lệnh của Tồng thống Trump gây nhiều tranh cãi đó là: bảo vệ nước Mỹ từ khủng bố nước ngoài (Executive Order: Protecting the Nation from Foreign Terrorists Entry Into the United States), ký ngày 27/1, cấm tạm thời hay vĩnh viễn vào Mỹ một số trường hợp như: a). tạm ngưng nhận người tị nạn vào Mỹ 120 ngày và đồng thời đề xuất giảm số người này vào Mỹ trong tài khoá năm 2017 từ 110.000 xuống 50.000 người; b). cấm vĩnh viễn người tị nạn Syria đến Mỹ; c). không cấp visa hay cho vào Mỹ (bao gồm những người có quy chế thường trú)* công dân bảy nước: Iraq, Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan, and Yemen, trong 90 ngày, ngoại trừ có visa ngoại giao.

Ngay lập tức sắc lệnh này đã bị chưởng lý bang Washington kiện. Toà Liên bang tại bang Washington bác bỏ sắc lệnh. Chính quyền Tổng thống Trump khiếu nại và cuối cùng toà phúc thẩm Liên bang (The 9th Circuit of Appeal) chính thức bác bỏ vào ngày 9/2/2017. Lý do là luật Di trú ban hành năm 1965 không cho phép chính quyền Mỹ phân biệt đối xử trong việc cấp visa vì màu da, chủng tộc, giới tính, hay quốc gia đến. Sắc lệnh của Tổng thống Trump nhắm vào bảy nước “Hồi giáo”, toà cho là vi phạm luật này.

Ngày 6/3 Tổng thống Trump ký sắc lệnh mới, sắc lệnh này có phần nhẹ hơn là tạm ngưng chương trình tị nạn 120 ngày để xem xét, bao gồm người tị nạn Syria chứ không cấm vĩnh viễn như sắc lệnh đầu; đồng thời bỏ Iraq ra khỏi danh sách các nước cấm. Sắc lệnh này mới này đang bị các bang như Washington, Hawaii kiện và có khả năng bị toà bác rất cao, nhưng hiện nay là đề tài tranh cãi.

Sắc lệnh này không ảnh hưởng gì đến người Việt Nam, không có gì phải lo lắng.

Chính sách này ảnh hưởng như thế nào đến du học sinh Việt Nam đang ở Mỹ và chuẩn bị sang Mỹ, thưa ông?

Tuy sắc lệnh ban đầu đã bị toà Liên bang bác bỏ, việc này tác động không nhỏ đến tâm lý người nước ngoài, đặc biệt các gia đình Việt Nam có con em du học, thăm thân nhân, du lịch hay công việc, cho rằng nước Mỹ không còn thân thiện, hấp dẫn cho con cái sang du học… Tôi có thể hiểu những lo lắng đó.

Tôi nghĩ du học sinh đang và sẽ đi du học ở Mỹ không có gì phải lo lắng, vì sắc lệnh không ảnh hưởng đến các nước, ngoại trừ sáu nước và người tị nạn vào Mỹ. Tuy nhiên, tôi cũng khuyên là du học sinh, du lịch không nên vi phạm hay lạm dụng thời gian ấn định trong visa. Trong tương lai nước Mỹ có thể sẽ kiểm soát chặt chẽ và áp dụng biện pháp mạnh mẽ hơn các trường hợp vi phạm thời hạn visa, và trục xuất ra khỏi nước Mỹ những người vi phạm.

Hiện tại, các học sinh, sinh viên Việt Nam muốn đi học tại Mỹ, cần tối thiểu những tiêu chuẩn nào, thưa ông? Trong trường hợp bị từ chối visa không lý do, có còn cơ hội cho lần 2, lần 3 nữa không?

Tôi không thể nói thay cho nhân viên di trú Hoa Kỳ. Tuy nhiên với sự hiểu biết và kinh nghiệm nhiều năm, câu trả lời đơn giản 1). Học sinh phải được một trường trung hay đại học nhận vào, 2). Học sinh hay gia đình chứng minh hội đủ điều kiện tài chính cho chi phí tối thiểu một năm học và được trường cấp I-20. Trường hợp học sinh nhận học bổng thì trường hay tổ chức sẽ cung cấp chứng từ bảo lãnh. Sau khi nhận được I-20 thì học sinh có thể nộp đơn xin phỏng vấn visa du học. Chứng minh khả năng tài chính, tiếng Anh, điểm thi và điểm học tốt là yếu tố rất quan trọng để được cấp visa du học.

Trường hợp học sinh bị từ chối visa du học lần đầu, lần 2 hay ngay cả lần 3, đều có thể xin phỏng vấn lại. Khi được phỏng vấn lại, học sinh nên chứng minh điều gì mới, thay đổi so với lần trượt trước. Còn nếu chỉ tiếp tục đi phỏng vấn thì khả năng được chấp nhận visa không cao, mà còn mất thêm phí.

Nước Mỹ đã từng được xem là miền đất hứa của rất nhiều người dân trên thế giới đến xin tị nạn, học tập, nghiên cứu và làm việc, liệu bây giờ nó còn có là đất nước của “những giấc mơ tốt đẹp” hay không?

Hơn ai hết, bản thân tôi rất hiểu và cảm thông hoàn cảnh của người tị nạn trên thế giới. Hơn bốn thập niên tôi luôn cổ động một nước Mỹ… là nơi “trú ẩn an toàn” (safe haven) của thế giới, khi con người ta không còn đường nào khác. Tôi đã làm việc với chính giới Mỹ, các tổ chức quốc tế trong suốt hai thập niên, vận động tiếp nhận và định cư tại Mỹ hàng triệu người. Đa số dân Mỹ ủng hộ quan điểm này và luôn tự hào Mỹ là đất nước truyền thống của những di dân.

Hàng năm nước Mỹ đón nhận khoảng 800.000 người đến định cư (thường trú) tại Mỹ qua nhiều dạng khác nhau: đoàn tụ gia đình, làm việc, đầu tư… Số người tị nạn đến Mỹ hàng năm chỉ khoảng 10 – 15% số người đến định cư. Ngoài ra còn thu hút trên 100.000 người đến sống và làm việc có quy chế thường trú, cộng với khoảng 100.000 người (có năm lên đến gần 200.000 người) làm việc dài hạn. Đây là nguồn “xám” rất lớn đến từ nhiều nới trên thế giới, đóng góp  cho nền kinh tế và xã hội Mỹ. Ở các công ty công nghệ thông tin, công nghệ mới, bệnh viện, trung tâm nghiên cứu, đại học lớn ở Mỹ, sẽ nhận ra là người di dân, đặc biệt là Á châu, đóng vai trò quan trọng.

Câu hỏi đặt ra là tại sao nước Mỹ luôn dẫn đầu trong mọi phát triển? Vì nước Mỹ luôn trân trọng đón nhận và tạo điều kiện để nguồn “xám” phát huy, dù nó đến từ đâu. Nước Mỹ cần và luôn thay máu để tiếp tục phát triển… không có công thức phát triển nào tốt hơn là tiếp tục thu hút, sử dụng tốt chất xám từ những di dân. Luật pháp không cho phép ai, kể cả Tổng thống Mỹ, vượt qua giới hạn cho phép. Do đó, nước Mỹ vẫn còn và tiếp tục là đất nước của cơ hội, đặc biệt là kinh tế đang phát triển tốt hiện nay.

Thuỷ Nguyễn thực hiện

Bạn đã sẵn sàng để du học?

NEEC là đối tác và hỗ trợ lộ trình du học, nộp hồ sơ vào các trường Trung Học - Đại Học hàng đầu nước Mỹ, Canada
Liên hệ ngay Hẹn tư vấn