'Lỗi hệ thống' trong giáo dục nhìn từ vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La - Tư vấn du học NEEC

Blog

'Lỗi hệ thống' trong giáo dục nhìn từ vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La

Những tiêu cực trong giáo dục qua vụ việc gian lận thi cử đã đánh ngay vào tầng sâu nhất của nền tảng con người, đó là nhân phẩm, đạo đức, lòng tin, làm đảo lộn hệ giá trị của xã hội.

Ông Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển Nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021

Ông Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển Nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021

Trước đây, việc chạy điểm chỉ xảy ra đối với từng cá nhân học sinh, một số thầy cô, và thường chỉ nhằm mục đích không bị rớt, đủ điểm vượt qua kỳ thi. Tuy nhiên, hiện nay việc chạy điểm đã lan vào hệ thống, đến những người phụ trách tổ chức thi, giám sát thi cấp tỉnh. Mục đích không chỉ để đủ điểm đậu nữa, mà là để biến người kém cỏi, trung bình trở thành những người xuất sắc, người được vinh danh vì có số điểm đứng đầu kỳ thi!
Những tiêu cực trong giáo dục qua vụ gian lận thi cử đã đánh ngay vào tầng sâu nhất của nền tảng con người, đó là nhân phẩm, đạo đức, lòng tin, làm đảo lộn hệ giá trị của xã hội.
Làm thế nào để tránh “lỗi hệ thống” trong giáo dục như đã xảy ra? TheLEADER đã trao đổi với chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ, ông Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021.
Qua vụ  gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, không đơn thuần là việc phải truy lại để sửa điểm cho đúng, có lẽ phải quay lại cái gốc của vấn đề mới có câu trả lời thỏa đáng. Theo ông, đâu là động cơ và nguyên nhân khiến cho người ta phải làm như vậy?
Chuyên gia Trần Đức Cảnh: Theo tôi, chúng ta nên phân tích vấn đề gian lận thi cử vừa qua tại tỉnh Hà Giang và Sơn La ở phạm vi rộng hơn, từ góc độ quản lý, chính sách và mục tiêu giáo dục, hầu tìm ra giải pháp cho các vấn đề ngắn và dài hạn.
Vụ việc đáng tiếc xảy ra, nhưng điều còn may mắn là xã hội và truyền thông rất quan tâm; Bộ Giáo dục và đào tạo đã nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra và xử lý vấn đề ở hai tỉnh nói trên.
Về phần kỹ thuật như tổ chức, giám sát thi và hậu kiểm của bộ thì không vấn đề gì lớn cả, khi có sự nghi ngờ hay phát hiện gian lận mang hệ thống thì phải kiểm tra toàn bộ và khởi tố như vừa rồi.
Tuy nhiên, nguyên nhân của vấn đề gian lận thi cử vừa rồi đến từ đâu, có phải là hệ thống giáo dục đại học quá đặt nặng vào thi tuyển thay vì tập trung xét tuyển vào đại học? Phải chăng vì xã hội ngày càng quan trọng chuyện bằng cấp thay vì thực học, dẫn tới việc bằng mọi giá phải có bằng cấp, phải vào được trường tên tuổi, ít chú trọng đến khả năng học tập, ngành nghề phù hợp với năng lực của mỗi cá nhân để phát triển lâu dài?
Nguy hiểm nhất là những người có hành vi gian lận vụ việc này xem đó là việc bình thường, bất chấp tinh thần và giá trị đạo đức xã hội.
Vậy làm thế nào để xử lý “lỗi hệ thống” trong giáo dục hiện nay ?
Chuyên gia Trần Đức Cảnh: Vài năm trước tôi là một trong những người “cổ động” cho việc bỏ bớt một kỳ thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học chỉ cách nhau khoảng một tháng, tốn kém nguồn lực và thời gian cho toàn xã hội, mà không mang lại hiệu quả gì đáng kể.
Vấn đề là lúc đó nên bỏ kỳ thi nào? THPT hay đại học ? Nếu bỏ kỳ thi THPT thì chỉ còn việc là xét tốt nghiệp. Nếu theo tinh thần đó thì học sinh lớp 12 chỉ cần học đủ môn yêu cầu (cấp 3) và đạt mức điểm trung bình tối thiểu là tốt nghiệp, còn học sinh muốn vào đại học thì phải qua kỳ thi đại học để lấy điểm nộp vào đại học, đây là theo mô hình của THPT của Mỹ.
Quan ngại lúc đó là nếu chỉ xét tốt nghiệp THPT thì sẽ xảy ra tình trạng chạy điểm ở các trường trở nên phổ biến hơn, không kiểm soát được chất lượng tốt nghiệp THPT. Cũng có quan điểm phản biện rằng với tỷ lệ tốt nghiệp THPT từ 92% đến 100%, thì việc thi tốt nghiệp THPT có giá trị gì?
Còn nếu chọn kỳ thi để lấy điểm nộp vào các trường cao đẳng, đại học thì số học sinh thi sẽ ít hơn, tôi đoán khoảng 70% của số học sinh xét tốt nghiệp THPT hằng năm, tương đương với khoảng 630.000 học sinh thi năm nay. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, tổ chức thi để lấy điểm nộp xét tuyển vào các trường đại học, về phần kỹ thuật thì rất đơn giản, an toàn và hiệu quả về thời gian và nguồn lực.
Ví dụ như các địa phương có thể trang bị hệ thống vi tính tại một trung tâm thi, học sinh có thể đăng ký thi bất cứ thời gian nào trong 6 tháng. Thời gian thi có thể tổ chức từ 3 đến 7 giờ, bài thi trắc nghiệm nên rất dễ chấm và có điểm ngay. Vì là thi trên máy vi tính, có lập trình bài thi và thời gian nhất định, nên sự gian lận gần như không thể xảy ra, lối thi này khá phổ biến ở các nước.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay, thực chất có hai mục đích là tốt nghiệp THPT và xét vào đại học. Tuy nhiên, kỳ thi này thiên hẳn về xét tuyển đại học, vụ gian lận điểm ở hai tỉnh vừa rồi là để có được điểm cao vào đại học.
Các nước như Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ kỳ thi vào đại học khá căng thẳng, riêng ở Mỹ thì hệ thống “xét tuyển” vào đại học, đặc biệt ở các trường lớn, tương đối cân bằng hơn. Xét tuyển vào các đại học Mỹ, trường thấp thì ít nhất 3 tiêu chí, cao thì 5-6 tiêu chí.
Tôi có nhiều kinh nghiệm trong “xét tuyển” vào các trường lớn và thích mô hình này vì đánh giá được khả năng tổng thể, gồm sở thích và năng khiếu và tiềm năng phát triển của một sinh viên tương lai. Điểm thi là một tiêu chí quan trọng, nhưng không phải là tất cả.
Không ít người quan ngại là trong môi trường giáo dục như hiện nay, nếu chọn mô hình xét tuyển vào đại học thì khả năng gian lận sẽ cao hơn là thi tuyển hiện nay. Có thể là như thế, nhưng đó cũng là phép thử về quyết tâm của hệ thống giáo dục, chính trị và xã hội.
Liên quan đến việc có nên bỏ kỳ thi THPT hay hiện nay hay không? Theo tôi, phải đưa ra 2-3 phương án khác nhau, phân tích cái lợi và không lợi, đưa ra chính sách chọn phù hợp, đó là việc của bộ. Nhưng khi chọn phương án và lên kế hoạch thực hiện cần phải có đủ thời gian cho các khâu, tránh sự thay đổi và xáo trộn liên tục là điều không cần thiết trong hệ thống giáo dục vốn đã có khá nhiều bất cập.
Ngoài lỗi hệ thống giáo dục, còn lỗi nào của gia đình và xã hội ?
Chuyên gia Trần Đức Cảnh: Gần đây tôi có nhiều dịp thăm và làm việc với các trường trung học và đại học hàng đầu của Mỹ. Khi nhắc về học sinh Việt Nam tại các trường này, hầu hết là được khen về tính cách, ứng xử và khả năng học tập của các em.
Tôi rất tự hào về các du học sinh Việt Nam. Phải chăng tinh thần và truyền thống hiếu học của người Việt phát huy rất tốt khi có được môi trường học tập tốt, hay nói cách khác là có “đất dụng võ”.
Tuy nhiên không phải học sinh, gia đình nào cũng muốn hay có khả năng du học nước ngoài, còn nếu học tập trong nước thì sao ?
Nếu hỏi mười phụ huynh học sinh Việt Nam nghĩ thế nào về chuyện học hành, trường lớp và sinh hoạt trong trường (ngoại trừ một số trường tư thục và quốc tế), có lẽ số lớn sẽ bày tỏ sự không hài lòng với hệ thống giáo dục hiện nay.
Những lời than phiền rất quen thuộc như: học sinh học quá nhiều, còn học thêm ngoài giờ, thầy/cô đọc trò chép, thuộc bài, lý thuyết, giáo điều, thiếu thực tiển, thiếu môi trường thể dục thể thao và sinh hoạt. Đại học thì vần đề có khác ít nhiều như: quá nặng về lý thuyết nhưng thiếu thực tiễn, tư duy sáng tạo, thiếu sự gắn kết giữa học và hành…
So sánh môi trường, điều kiện và giai đoạn phát triển giữa quốc gia này với quốc gia kia đôi khi khập khễng, tuy nhiên các vấn đề giáo dục mang tính hệ thống hiện nay, nếu không nhanh chóng chuyển đổi thì câu chuyện hội nhập, cạnh tranh của Việt Nam với thế giới sẽ còn rất xa vời.
Về phía gia đình thì cũng còn tùy. Không ít gia đình còn áp lực lớn với con cái về chuyện học hành, thi cử, ngành học. Phụ huynh không dành cho con cái không gian và sự tự thân lựa chọn ngành học phù hợp, xem việc học và sự thành công hay thất bại như chính chuyện cha mẹ.
Thậm chí việc chạy điểm thầy cô cũng đến từ cha mẹ, vô hình chung biến con cái mình trở thành nạn nhân của sự mong muốn cha mẹ. Một học sinh không thể phát triển tốt nếu nhà trường và/hay cha mẹ không cho phép học sinh trở thành chính con người nó.
Trở lại vấn đề gian lận thi cử ở Hà Giang và Sơn La, ông đánh giá thế nào về giá trị đạo đức của xã hội hiện nay, đặc biệt là những người đang có chức quyền ?
Chuyên gia Trần Đức Cảnh: Tôi hy vọng là vụ việc ở Hà Giang và Sơn La mang tính đơn lẻ, nhưng đây cũng là bài học lớn không riêng việc tổ chức thi và chấm thi, mà là sự xuống cấp đạo đức của một số người có chức quyền và phản ứng của xã hội.
Việc gian lận điểm thi không những khiến cho giá trị đạo đức của số người này bị băng hoại, mà còn đánh cắp rất nhiều cơ hội của người khác, vô hình chung không phát triển được toàn xã hội. Trong một xã hội người nghèo, người giàu là bình thường, nhưng cái không thể mất là mọi người phải được bình đẳng trong cơ hội; bị chiếm đoạt cơ hội bình đẳng của người là bất công khủng khiếp nhất.
Giải pháp lâu dài cho việc học thực, thi thực và kết quả thật để đóng góp cho sự phát triển đất nước là gì ?
Chuyên gia Trần Đức Cảnh: Ở các nước phát triển, có công việc làm tốt sau khi tốt nghiệp đại học là mối quan tâm hàng đầu của sinh viên. Do đó nỗ lực học tập và khả năng tự tạo trong lúc học ở trường để có khả năng cạnh tranh công việc sau này là động cơ chính, mà hầu như không cần ai động viên, nhắc nhở.
Học sinh phấn đấu trong thời gian học THPT để có điểm cao, thi tốt, để vào được các đại học tiếng tăm, khả năng xin được việc sau này thuận lợi hơn. Doanh nghiệp tư nhân chắc chắn muốn tuyển người giỏi vì có khả năng làm lợi cho họ hơn. Các đại học muốn sinh viên mình có việc làm, uy tín thì khâu đào tạo phải tốt, gắn kết với yêu cầu của doanh nghiệp.
Đây là một chuỗi giá trị liên kết tạo ra trong sự vận hành đầu vào đầu ra một cách tự nhiên và hiệu quả trong hệ thống giáo dục và đào tạo, công việc mà không cần sự can thiệp mạnh hay tác động nào của nhà nước.
Ngay cả các bộ ngành, Chính phủ cũng cần những người giỏi, điển hình như Singapore. Họ không quá quan trọng bằng cấp, mà tìm những người có năng lực quản lý và chuyên môn thật sự. Ít khi cho phép những người thiếu năng lực ở vị trí nào đó lâu dài.
Một khi hệ thống được thiết kế theo nhu cầu thị trường nguồn nhân lực công và tư và có sự cạnh tranh đầu ra, sẽ tác động tích cực ở khâu đào tạo và tuyển chọn đầu vào. Mọi sự yếu kém hay thiếu khả năng, nếu không tự điều chỉnh, sẽ bị chính cơ chế vận hành đào thải.
Như thế đất nước mới có cơ may phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://theleader.vn/loi-he-thong-trong-giao-duc-nhin-tu-vu-gian-lan-thi-cu-o-ha-giang-son-la-1532950806836.htm

Bạn đã sẵn sàng để du học?

NEEC là đối tác và hỗ trợ lộ trình du học, nộp hồ sơ vào các trường Trung Học - Đại Học hàng đầu nước Mỹ, Canada
Liên hệ ngay Hẹn tư vấn