Luật hóa tự chủ đại học dưới góc nhìn của nguyên cố vấn Đại học Harvard – Tư vấn du học NEEC

Blog

Luật hóa tự chủ đại học dưới góc nhìn của nguyên cố vấn Đại học Harvard

Bài 2: Luật hóa tự chủ đại học dưới góc nhìn của nguyên cố vấn Đại học Harvard

Nếu không xây dựng được cơ chế tự chủ đại học đúng nghĩa thì khó lòng phát huy được nguồn lực và tính sáng tạo cần thiết để phát triển.

Bộ Giáo dục và đào tạo vừa công bố xin ý kiến rộng rãi dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dụcLuật Giáo dục đại học. Tuy nhiên, thực tế bao năm nay đã bộc lộ rõ, càng sửa càng rối! Làm thế nào để sửa đổi một cách toàn diện hơn, giải quyết được những nút thắt quan trọng nhất, hướng đến một nền giáo dục nhân bản và khai phóng vẫn còn là một câu hỏi lớn.
TheLEADER thực hiện chuyên đề về giáo dục với sự tham gia của ông Trần Đức Cảnh, bàn sâu về những vấn đề nóng nhất trong giáo dục trung học, đại học hiện nay, những mô hình đầu tư giáo dục đúng nghĩa và những góp ý mang tính phản biện toàn diện hơn nhìn từ góc độ quốc tế và Việt Nam.

Ông Trần Đức Cảnh - nguyên cố vấn Đại học HarvardÔng Trần Đức Cảnh

Ông Trần Đức Cảnh nguyên là Giám đốc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của bang Massachusetts (Mỹ), Ủy viên Hội đồng liên trường đại học vùng Đông Bắc bang, nhiều năm làm cố vấn tuyển sinh cho Đại học Harvard.

Ông được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bổ nhiệm vào Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2017 – 2021.

Một trong những vấn đề chính trong Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này là tự chủ đại học, ý kiến của ông thế nào về vấn đề này?
Ông Trần Đức Cảnh: Tôi có tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này và đặt biệt quan tâm đến phần mục tự chủ đại học. Nếu không xây dựng được cơ chế tự chủ đại học đúng nghĩa thì khó lòng phát huy được nguồn lực và tính sáng tạo cần thiết để phát triển.
Mô hình tự chủ đại học ở các nước đã phát triển lâu đời, và cũng đã từng áp dụng ở miền Nam trước năm 1975, nhưng hiện nay thì hình như vẫn còn rất mới.
Trong tự chủ đại học phải luôn có 3 vế chính: tài chính, nhân sự, và học thuật; hai vế đầu là phương tiện và vế sau là cứu cánh. Để có thể xây dựng thành công cơ chế tự chủ đại học, Hội đồng trường hay Hội đồng quản trị trường phải là trọng tâm. Mô hình bộ chủ quản hiện nay cần chuyển sang bộ quản lý nhà nước theo quy định của Luật.
Tuy cấu trúc, nhiệm vụ, quyền hành, trách nhiệm và sự tương quan giữa các bộ phận cần làm rỏ hơn, nhưng tôi cho là hợp lý bước đầu trong quá trình đổi mới mô hình quản lý giáo dục đại học hiện nay.
Trong tự chủ đại học vai trò Hội đồng trường hay Hội đồng quản trị và Hiệu trưởng, phải phân định rạch ròi nhiệm vụ và trách nhiệm như thế nào để trách chồng lấn, bảo đảm sự vận hành tốt và hiệu quả?
Ông Trần Đức Cảnh: Tôi biết có 23 trường đại học công đã làm thí điểm mô hình tự chủ đại học, trong đó có vai trò của Hội đồng trường theo Luật Giáo dục hiện hành. Tuy nhiên, vai trò của Hội đồng trường cần phải làm rõ hơn về mặt trách nhiệm và quyền hành trong quản lý trường, theo dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đại học.
Theo mô hình quản lý đại học công ở các nước thì thường chính quyền trung ương hay địa phương có trách nhiệm phê duyệt danh sách Hội đồng trường theo nhiệm kỳ, không nhất thiết là tất cả phải theo nhiệm kỳ của người bộ nhiệm, mà được chia ra để có tính liên tục và ổn định. Ví dụ nhiệm kỳ thành viên của Hội đồng trường là 4 hay 6 năm, thì cứ mổi hai năm là bầu lại một nữa, hay một phần ba.
Hội đồng trường có quyền chọn Hiệu trưởng và phê chuẩn các chức vụ Phó hiệu trưởng hay tương đương. Hiệu trưởng có nhiệm vụ báo cáo lên Hội đồng trường và xin/nhận phê duyệt một số hạng mục đã chuẩn định trước khi thực hiện. Tuy nhiên, cơ chế làm việc cần phải cân đối trong quyền hành và trách nhiệm giữa Hiệu trưởng và Hội đồng trường, tránh tối đa tình trạng “lấn sân” có thể dẫn đến mâu thuẫn.
Lượng thành viên trong Hội đồng trường không cần phải quá lớn, nhưng chất lượng, giảm thiểu tính kiêm nhiệm hoặc không cho phép, như vậy mới tránh được mâu thuẫn và xung đột quyền lợi. Do cơ chế vận hành theo mô hình nhất nguyên, nên việc kiêm nhiệm được cho là bình thường, còn ở các nước tiên tiến thì rất khó chấp nhận. Theo tôi tính kiêm nhiệm của Hội đồng trường trong Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đại học quá lớn, cần xem lại.
Sự chưa rõ ràng từ khái niệm đến chính sách quản lý của hệ thống trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam hiện nay, mô hình lợi nhuận và không vì lợi nhuận có những khác biệt nào về mặt nguyên tắc?
Ông Trần Đức Cảnh: Có 4 loại mô hình trường đại học ở các nước:
Trường công – do nhà nước phân công quản lý, có thể cấp toàn bộ hay một phần tài chính để trường hoạt động, cấu trúc quản lý mô hình trường công có khác nhau giữa các nước.
Trường bán công – do tư nhân kết hợp với nhà nước để thành lập mô hình trường công tư, qua nhiều hình thức.
Trường tư – hoạt động và quản lý heo mô hình công ty tư nhân.
Trường tư không vì lợi nhuận (KVLN) – quản lý và hoạt động theo mô hình tổ chức xã hội.
Mô hình trường công, bán công và tư thì tương đối rõ, riêng khái niệm về loại trường KVLN thì còn rất mới tại Việt Nam. Trong thời gian qua có một số trường tự nhận là trường “không vì lợi nhuận”, nhưng xét theo mô hình đại học KVLN ở các nước tiên tiến, thì Việt Nam chưa có trường nào cả, vì không đáp ứng được các tiêu chí cơ bản của loại hình này. 
Một, không có tính sở hữu cá nhân, cổ đông hay chia lợi nhuận. Nguồn lợi nhuận được giữ lại trường để tiếp tục đầu tư. Hai, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch cho cộng đồng. Ba, là một tổ chức xã hội tự quản theo luật và nội quy hoạt động của tổ chức trường.
Mục đích của loại trường KVLN là để thu hút nguồn lực từ xã hội, góp phần cho việc phát triển giáo dục đại học. Vì là tổ chức trường theo mô hình phục vụ công ích, do đó hỗ trợ từ phía Nhà nước là điều cần thiết, điển hình như miễn thế VAT, thuế doanh nghiệp, thuế đất và các nguồn khác. 
Cá nhân, công ty đóng góp cho trường phi lợi nhuận có thể được miễn thuế phần góp. Nói chung là trường KVLN có thể phát triển tốt, nếu xây dựng cơ chế giúp tạo ra động lực và môi trường để xã hội đóng góp. Hai mươi trường đại học hàng đầu của Mỹ theo mô hình KVLN.
Để bảo đảm cơ chế vận hành thông suốt và hiệu quả của mô hình trường KVLN, loại hình này cần phải được luật hóa các nguyên tắc căn bản trong vận hành, lần sửa đổi Luật Giáo dục đại học này.
Tuy hiện nay chưa có đại học nào theo mô hình loại trường này, nhưng trước mắt là luật hóa cơ chế loại hình trường như thế, tôi tin là sẽ có sư ra đời của loại trường KVLN này trong tương lai không xa.
Hằng năm Nhà nước đầu tư 20% ngân sách cho ngành giáo dục, một tỷ lệ không nhỏ so với các nước, nhưng hiện nay chất lượng giáo dục còn nhiều vấn đề, theo ông làm thế nào để có thể thu hút đầu tư nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào giáo dục và giáo dục đại học nói riêng?
Ông Trần Đức Cảnh: Đúng là ngân sách Nhà nước đầu tư vào giáo dục chiếm tỷ lệ rất lớn, khoảng 20% tương đương với 10 tỷ USD, tập trung phần lớn cho giáo dục tiểu học đến phổ thông. Nhu cầu đầu tư phát triển giáo dục các cấp còn rất lớn, từ khâu cơ sở vật chất, chương trình, đến đội ngũ giảng dạy. 
Theo tôi thì tập trung đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục chỉ một phần của câu chuyện, phần khác phải là một cuộc cải tổ mạnh mẽ và toàn diện hệ thống giáo dục hiện nay, cả hệ thống cứng lẫn mềm, mới mong sớm vực dậy nền giáo dục, để sánh vai cùng các nước trong khu vực.
Nhu cầu phát triển giáo dục tư nhân sẽ còn rất lớn, vừa giúp giảm tải số lượng học sinh trường công, đồng thời cũng đáp ứng yêu cầu một phần của gia đình về cấu trúc chương trình giảng dạy.
Riêng về mảng giáo dục đại học thì hiện nay có 65 đại học ngoài công lập, bao gồm 5 trường do nước ngoài lập, so với 170 trường công, chiếm tỷ lệ 27,6%. Nếu đem so sánh với tỷ lệ trường công lập và ngoài công lập của Nhật Bản, thì tỷ lệ trường tư chiếm 77,5%, ngược lại so với Việt Nam. 
Do cấu trúc và điều kiện kinh tế xã hội, hệ thống giáo dục công tư của Việt Nam có khác so với các nước phát triển, nhưng hướng phát triển giáo dục ngoài công lập sắp tới tôi tin là sẽ trưởng thành và ổn định hơn. Mục tiêu là để góp phần vào việc giảm tải trường công, tăng chất lượng đào tạo, tạo sự đa dạng và tính cạnh tranh trong hệ thống giáo dục đại học.
Một mặt là nên khuyến khích đầu tư phát triển loại trường ngoài công lập, nhưng liệu có thương mại hóa giáo dục quá không theo những gì đã xảy ra ở một số đại học ngoài công lập hiện nay ? Làm thế nào để tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường đại học với nhau, giúp cho môi trường phát triển?
Ông Trần Đức Cảnh: Xã hội Việt Nam đang trong giai đoạn đầu phát triển theo hướng “thị trường”, có thể cơ chế vận hành chưa theo kịp, nên luôn có một khoảng trống, ngay cả khi có chế hoàn thiện đi nữa, phần thực hành cũng còn nhiều vấn đề phải xử lý.
Nhưng “khoảng trống” trong thời gian đợi hoàn thiện cơ chế “thị trường” quá lâu, nên phát sinh ra thêm vô vàn vấn đề, nhiều thứ trở nên lưng chừng, bản thân ngành giáo dục cũng không thoát ra được tình trạng đó.
Ngay cả trong giáo dục, khi tạo ra được sân chơi và môi trường cạnh tranh lành mạnh thì phần lớn tự thị trường quyết định. Bộ đóng vai trò quản lý nhà nước và giám sát, và chỉ xen vào khi cần để điều tiết những phần khiếm khuyết của thị trường, phần lớn là làm trọng tài đúng nghĩa thì mọi thứ sẽ ổn. Nếu trường không hoạt động tốt và hiệu quả, thì kết cục phải đóng cửa hay giải thể. 
Cái giá phải trả cho “thị trường” không hề rẻ, nhưng phải trải qua được mới mong trưởng thành và cạnh tranh được trong thế giới hội nhập. 
Nguồn: http://theleader.vn/luat-hoa-tu-chu-dai-hoc-duoi-goc-nhin-cua-nguyen-co-van-dai-hoc-harvard-2018050809102256.htm

Bạn đã sẵn sàng để du học?

NEEC là đối tác và hỗ trợ lộ trình du học, nộp hồ sơ vào các trường Trung Học - Đại Học hàng đầu nước Mỹ, Canada
Liên hệ ngay Hẹn tư vấn