Năng suất lao động thấp, lỗi không phải của người làm! - Tư vấn du học NEEC

Blog

Năng suất lao động thấp, lỗi không phải của người làm!

Mới đây, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã đặt câu hỏi, vì sao năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, chúng ta cảm thấy thế nào?
Tiếp theo đó, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, GS. Trần Phương có lời giải thích rằng, do giữa cung và cầu của quá trình đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam đang có sự khập khiễng, không ăn khớp với nhau trên nhiều khâu.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Cảnh, Nguyên Giám đốc Đào tạo và Phát và Phát triển Nguồn Nhân lực, bang Massachusetts, Hoa Kỳ.
Khai thác đúng vào sở thích, năng lực lao động
PV: Bàn về câu chuyện phát triển nguồn nhân lực, GS. Trần Phương có đề cập tới thực trạng hiện nay giữa cung và cầu đang có sự không khớp nhau. Điều đó khiến nhiều sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm hoặc chưa có việc làm. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Ông Trần Đức Cảnh: Chuyện không ăn khớp giữa nguồn nhân lực được đào tạo và nhu cầu việc làm ở quốc gia nào cũng có, nhưng sự không ăn khớp này ở Việt Nam hiện nay rất lớn và mang tính hệ thống, do đó cần phải giải quyết vấn đề ở cấp vĩ mô trước.
Ông Trần Đức Cảnh: Năng suất lao động thấp, lỗi không phải của người làm!

Ông Trần Đức Cảnh, Nguyên Giám đốc Đào tạo và Phát và Phát triển Nguồn Nhân lực, bang Massachusetts, Hoa Kỳ.

Để giúp giải quyết tình trạng không “khớp” này, hai vấn đề mà tôi cho là cấp thiết nhất trong hệ thống giáo dục và đào tạo hiện nay. Một, tạo sự liên kết và tương thích với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội có hệ thống và khoa học hơn. Hai, khai thác đúng mức các yếu tố năng khiếu, sở thích và sự sáng tạo của cá nhân để vực dậy tiềm năng. Hệ thống giáo dục nào mang tính áp đặt và giáo điều sẽ làm chui chột tài năng, nếu không nói là triệt tiêu từ rất sớm.  Trong kinh tế lao động, họ chia thất nghiệp ra làm 3 loại: Thứ nhất, do điều kiện kinh tế tạo ra ở các thời điểm (cyclical unemployment). Thứ hai, công việc mang tính thời vụ (seasonal). Thứ ba, thất nghiệp do không đáp ứng yêu cầu công việc (structural unemployment), đây là loại đây là loại thất nghiệp do không ăn khớp mà ta đang đề cập, cũng là loại khó giải quyết nhất, cần thời gian để đào tạo hay tái đào tạo. Tôi thường đùa với các bạn trong ngành giáo dục, là nếu tôi xin mở trường ở Việt Nam thì sẽ là trường “Tái đào tạo Đại học”, vì biết chắc là nhu cầu người học sẽ rất lớn.

Theo ông, nhiệm vụ để làm cho cung – cầu có được sợi dây kết nối tốt hơn, tránh lãng phí lao động, thuộc về cơ quan nào và làm cách nào, theo kinh nghiệm quản lý của ông?
Ông Trần Đức Cảnh: Tôi muốn nói đến Kế hoạch Đào tạo và Phát triển Nguồn Nhân lực cho cả nước, gắn kết chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong chu kỳ 5 đến 20 năm, và định hướng xa hơn nữa.  Để thực hiện được kế hoạch này, cần phải có những nghiên cứu, đánh giá rất khoa học, có sự đồng thuận lớn trong chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế và ngành nghề đào tạo. Các trường, trung tâm đào tạo có thể tham khảo các nghiên cứu, báo cáo này, dùng cho việc hoạch định và xây dựng kế hoạch đào tạo cho mình. Tôi nghĩ Việt Nam đang rất thiếu và yếu ở khâu này, dẫn đến tình trạng lệch lạc lớn giữa cung và cầu.
Vì tính chất phức tạp, bao hàm của công việc, theo tôi thì nên giao trách nhiệm này cho một Hội đồng ở cấp Quốc gia lập và xây dựng “Kế Hoạch và Phát Triển Nguồn Nhân Lực”, gồm đại diện các bộ ngành liên quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có uy tín tham gia, thay vì một hay hai bộ chủ quản. Một bộ phận tương tư như thế rất phổ biến ở nhiều quốc gia. Vấn đề nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ còn cấp bách hơn nhiều.
Nguyên nhân được vạch ra có thể do chúng ta chấp nhận cơ chế thị trường, chúng ta chấp nhận để các trường đại học cạnh tranh nhau về chất lượng, tăng quy mô sinh viên nhưng bên cạnh đó ít kiểm soát được đầu ra đào tạo. Theo ông, đây có phải nguyên nhân chủ yếu của tính cung – cầu không ăn khớp với nhau không?
Ông Trần Đức Cảnh: Mô hình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phải xây dựng trên sự vận hành của cơ chế thị trường. Chúng ta nói đến cơ chế thị trường cho đầu vào, các trường cạnh tranh với nhau, còn đầu ra thì sao? Yêu cầu đầu ra là yếu tố quyết định chất lượng và quy mô đào tạo.
Tuy nhiên cách tuyển chọn và sử dụng đầu ra hiện nay còn rất nửa vời, một số công việc không thật sự đòi hỏi chứng minh khả năng thật sự, mà do liên hệ và các yếu tố khác, điều này làm lệch lạc mục tiêu và chất lượng đào tạo. Muốn giải quyết điều này, thì phải chấn chỉnh lại cách sử dụng đầu ra, và đây là việc rất khó.
Doanh nghiệp tư nhân nếu muốn tồn tại và phát triển buộc họ phải sử dụng nguồn nhân lực sao cho hiệu quả nhất, do đó chuyện tiêu cực trong học hành hay nạn bằng giả, hiếm khi xảy ra ở các doanh nghiệp tư nhân. Theo quy luật thị trường, thì lâu dài tự nó sẽ đào thải những gì không đúng với giá trị yêu cầu. Nhà nước nên có chính sách cụ thể làm khai thông dòng chảy thị trường lao động nhanh, lành mạnh và hiệu quả hơn, bằng sự minh bạch và công bình.
Năng suất lao động Việt Nam thấp trong khu vực
Theo ông, cần thiết để có một đánh giá, tổng kết quy mô giáo dục đại học, phát triển nhân lực để có cái nhìn tổng thể trước khi đưa ra các định hướng về đào tạo nhân lực cũng như nhu cầu thực tế của thị trường hay không?
Ông Trần Đức Cảnh: Theo báo cáo gần đây nhất của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), năng xuất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/10 Hàn Quốc và 1/5 Mã Lai. Đó là họ so sánh năng xuất lao động trung bình giữa các quốc gia với nhau, nhưng nếu so sánh năng xuất của người Việt đang xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc hay Mã Lai thì sao? Không có công ty Hàn Quốc nào chịu trả lương cho công nhân Việt Nam gấp 5 lần, Mã Lai trả gấp 3 lần hoặc cao hơn so với mức lương trong nước, nếu như năng xuất của lao động Việt Nam thấp như báo cáo.
Nếu như mọi thứ bình đẳng thì năng xuất lao động của công nhân Việt Nam, nếu có cũng không thấp hơn với công nhân Hàn Quốc hay Mã Lai bao nhiêu, sự khác biệt lớn ở đây phải chăng do môi trường, sự vận hành hệ thống kinh tế-xã hội chung: chính sách, cấu trúc hạ tầng cứng và mềm, hiệu quả vốn đầu tư, tư duy và các quản lý doanh nghiệp, ứng dụng kỹ thật…  
Nếu ta chỉ đề cập nguồn nhân lực của Việt Nam thấp mà không xem xét các yếu tố trên, ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến năng xuất lao động, thì sẽ không giải quyết được bài toán năng xuất lao động một cách rốt ráo. Nếu Việt Nam tái cấu trúc được hệ thống vận hành kinh tế-xã hội, dịch chuyển nhanh ngành kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, hiệu quả hóa năng xuất lao động thì khả năng bắt kịp Mã Lai, Thái Lan hay Trung Quốc trong thời gian không xa.
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nang-suat-lao-dong-thap-loi-khong-phai-cua-nguoi-lam-post154028.gd

Bạn đã sẵn sàng để du học?

NEEC là đối tác và hỗ trợ lộ trình du học, nộp hồ sơ vào các trường Trung Học - Đại Học hàng đầu nước Mỹ, Canada
Liên hệ ngay Hẹn tư vấn