Nếu ông đề xuất một mô hình thi tốt nghiệp THPT và tuyển vào đại học, cao đẳng cho những năm sau, khác với lối thi THPT và tuyển sinh hiện nay thì mô hình đó sẽ như thế nào?
Ông Trần Đức Cảnh: Đề xuất của tôi về lâu dài là chỉ nên có một kỳ thi đại học, dùng điểm của kỳ thi này cho việc xét tuyển đại học.
Điểm thi là một trong những tiêu chí xét tuyển, điển hình: điểm học 3 năm THPT, thư giới thiệu, phỏng vấn, bài thi tại trường… Mỗi đại học đặc ra tiêu chí riêng cho mình, nhưng phải có ít nhất 2 tiêu chí xét tuyển: điểm thi đại học và học bạ 3 năm THPT.
Không ít ý kiến hiện nay cho rằng nếu dùng học bạ 3 năm THPT cho việc xét tuyển đại học thì có khả năng sinh ra nạn chạy điểm tràn lan, không đáng tin cậy.
Sự lo lắng ở giai đoạn này có thể không sai, nhưng thiết nghĩ nếu cả quá trình 3 năm học tập ở bậc THPT mà không đủ tin cậy, mà tin vào một kỳ thi tốt ngiệp THPT, thì đây là một bi kịch cho toàn nền giáo dục.
Theo đề xuất của tôi là cấu trúc lại chương trình THPT theo lối học theo môn, tính chỉ. Học sinh phải học đủ số môn yêu cầu thì được cấp tốt bằng tốt nghiệp.
Nếu rớt môn nào thì học lại môn đó, cho đến khi hoàn tất. Nếu 80% học sinh tốt nghiệp THPT, so với 95% hay 97% hiện nay, đúng thời hạn là chuyện bình thường, số còn lại có thể học tiếp cho đến khi hoàn tất yêu cầu tốt nghiệp.
Tổ chức kỳ thi đại học thật khoa học, chất lượng, đánh giá được cả kiến thức phổ thông và tiềm năng. Có thể tổ chức nhiều lần trong năm. Điểm thi dùng cho việc xét tuyển theo yêu cầu của mỗi đại học. Nếu theo đề xuất này thì cấu trúc chương trình phải bắt đầu từ THCS. Cần có thời gian chuẩn bị từ 3 đến 5 năm, mới mong thực hiện tốt.
Bình thường khi xét tuyển đại học ở nước ngoài, ban tuyển sinh sẽ xem kết quả điểm từng môn học và trung bình của 3 năm THPT, đối chiếu với điểm thi đại học, nếu có sự chênh lệch bất thường thì sẽ đặt vấn đề. Do đó, nếu giáo viên hay trường cố tình lạm phát điểm thì có thể tạo ra nghi vấn bất lợi cho học sinh trong việc xét tuyển.
Người làm công tác tuyển sinh lâu dài sẽ có kinh nghiệm và bén nhạy trong việc đánh giá, xếp hạng từng ứng viên và trường, loại trường THPT sản xuất ra ứng viên.
Lâu dài sẽ tạo ra môi trường ổn định, dự báo tin cậy hơn trong việc xét tuyển. Hiện nay sự xáo trộn do sự thay đổi chính sách và môi trường giáo dục, một thử thách không nhỏ cho công tác tuyển sinh. So với nước ngoài, thì việc đầu tư vào công tác tuyển sinh ở các đại học Việt Nam rất thấp, nhưng lại là khâu quan trọng nhất của đại học, nếu muốn thành công lâu dài.
Ngoài ra các đại học nên đưa ra các yêu cầu khác cho việc xét tuyển để đánh giá năng và thể lực, khiếu tính và sự đam mê của một ứng viên, song song với điểm học và thi.
Như vậy mới mong tuyển được một lượng sinh viên phù hợp với văn hóa và điều kiện học vấn của trường, có khả năng thành công cao. Một nền giáo dục mà chỉ tập trung vào chuyện thi cử, thành tích và bằng cấp là nền giáo dục lẩn quẩn.
Muốn thay đổi giáo dục phải có cái nhìn tổng thể, xuyên suốt từ triết lý giáo dục đến từng tiểu mục. Thể hiện qua cách dạy, cách học, nhận thức, thi cử và tuyển sinh, và sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo trong xã hội.
Song song, thế giới đang đào tạo con người cho phần còn lại của thế kỷ 21, ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin vào giáo dục và đào tạo … nhanh, gọn, đơn giản, nhưng rất sâu sắc và hiệu quả. Tôi hy vọng giáo dục Việt Nam sẽ bắt được nhịp này trong những năm tới.
Trân trọng cám ơn ông.
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nen-giao-duc-luan-quan-khi-chi-dua-vao-bang-cap-thi-cu-nen-phai-thay-doi-post156622.gd