Người Việt Nam hiếu học nhưng sao đất nước vẫn nghèo? – Tư vấn du học NEEC

Blog

Người Việt Nam hiếu học nhưng sao đất nước vẫn nghèo?

Người Việt thông minh, năng động nhưng “sân chơi” trong nước kém, nên rất khó phát huy.

Nhận định của ông Trần Đức Cảnh, nguyên Giám đốc Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bang Massachusetts (Mỹ). Là người từng 40 năm sống và làm việc tại Mỹ, ông Trần Đức Cảnh nhìn nhận những thiếu sót của giáo dục Việt Nam dưới góc độ tổ chức và phát triển nguồn nhân lực.  

“Người Việt Nam ta nói chung có tinh thần hiếu học vượt trội. Tinh thần này nếu được thả vào môi trường học tập và ứng dụng của phương Tây thì  phát huy rất tốt”, ông Trần Đức Cảnh nói.
Chưa có thước đo xác định năng lực  
Thưa ông, đã từng là người làm chính sách và quản lý các chương trình phát triển và đào tạo nguồn nhân lực ở Hoa Kỳ, ông nhận thấy với điều kiện đất nước ta hiện nay việc phát triển nguồn nhân lực cần yếu tố nào?
Ông Trần Đức Cảnh: Hiện nay, trong giáo dục tại Việt Nam người ta quan tâm nhiều về thi cử, bằng cấp chứ ít đề cập cách đào tạo, phát huy và sử dụng nguồn nhân lực sao cho hiệu quả nhất.
Ông Trần Đức Cảnh - nguyên Giám đốc Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bang Massachusetts (Mỹ).

Ông Trần Đức Cảnh – nguyên Giám đốc Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bang Massachusetts (Mỹ).

Nếu một công việc chỉ cần qua đào tạo 2 năm thì chỉ nên chọn người phù hợp ở trình độ đó, còn sau này có nhu cầu cao hơn thì học, đào tạo tiếp. Không cần đào tạo cử nhân hay cao hơn để làm công việc của một cao đẳng, hay học một ngành nhưng lại làm việc ngành khác, điều này không chỉ lãng phí thời gian, tiền bạc đào tạo mà còn phản tác dụng trong tâm lý sử dụng nhân sự. Nói về môi trường công việc, cách vận hành và phân công lao động dẫn đến hiệu quả năng xuất, vị trí của Việt Nam đang đứng rất thấp so với phần lớn các nước trong khu vực.  Từ góc độ của kế hoạch nguồn nhân lực hiệu quả để phát triển kinh tế-xã hội lâu dài, mục tiêu giáo dục và đào tạo là phải hướng tới công việc, ngành nghề cụ thể. Dù là công việc của một Họa sĩ hay Kỹ sư. Tạo môi trường và điều kiện để thu hút tài năng và phát triển năng khiếu của từng thành viên trong xã hội. Mỗi người có điều kiện phát triển tốt công việc của mình thì toàn xã hội được hưởng.
Người làm kế hoạch nguồn nhân lực phải có khả năng nghiên cứu các dữ liệu kinh tế-xã hội, phân tích, đánh giá thông tin, và đưa ra những dự báo tin cậy về nhu cầu nguồn nhân lực cho từng lãnh vực ngành nghề tương lai. Hơn ai hết, người sử dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân hiểu rõ nhu cầu nhân sự của mình. Có sự liên hệ và tương quan chặt chẽ giữa người làm kế hoạch đào tạo nhân sự và người sử dụng lao động ở cả cấp vĩ mô lẫn vi mô, mới mong giải quyết bài toán nhân lực hiệu quả.  
Thiết kế “dụng cụ” để đo lường và đánh giá chất lượng đào tạo và năng xuất lao động của từng lảnh vực ngành nghề, và toàn bộ hệ thống kinh tế, là việc phải làm và công bố thường xuyên.                                                                                                                                                     
Ông Trần Đức Cảnh: Tài sản lớn nhất của người Việt, dù sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nếu biết tận dụng .. là tinh thần hiếu học. Dưới thời phong kiến, sự phân hạng xã hội theo thứ bật “Nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ thương”, tinh thần khoa bảng đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa người Việt. Trải qua hàng thế kỷ và dù bao thăng trầm của đất nước, các vị trí thứ bật có thay đổi nhưng “nhất sĩ” thì hình như vẫn còn nguyên vẹn trong đầu của số đông người Việt.
Học để làm quan, làm ông này bà nọ…, thậm chí có số người không học, học ít nhưng vẫn muốn “chạy” bằng được cho mình tấm bằng … Nhưng nói cho cùng, “khoa bảng” có giá trị riêng của nó.    
Trong môi trường ứng dụng thực tiễn như ở Mỹ thì tinh thần “khoa bảng” lại có nhiều lợi thế, áp lực gia đình và cộng đồng với con cái, học để trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, phát triển tối đa tiềm năng của mỗi cá nhân có thể. Trong môi trường công việc cạnh tranh khốc liệt, không cho phép sự yếu kém, thiếu khả năng hay tính bất hợp lý tồn tại lâu. Do đó, động cơ “khoa bảng” để được “vinh thân phì gia”, công việc thích hợp, lương cao, địa vị tốt, nhưng ngược lại công việc đòi hỏi phải tận dụng trí não và làm việc cậc lực. Còn “khoa bảng” chỉ là hư danh, thiếu thực tiễn lại là một đại họa cho xã hội.  
Người gốc Á có ảnh hưởng lớn tại Mỹ
Hội nhập sòng phẳng với phương tây để phát triển và thấy được “tầm” của chúng ta đang ở đâu, ở phương tây, nhất là ở Mỹ thì người gốc Châu Á có vị trí như thế nào?
Ông Trần Đức Cảnh: Dân Mỹ gốc Châu Á, tuy chỉ chiếm 5.1% dân số, nhưng phát triển rất mạnh về học thuật trong hơn ba thập niên qua. Số sinh viên Mỹ gốc Á (không tính sinh viên du học) luôn chiếm tỷ lệ từ 17% đến 21% ở các trường hàng đầu nước Mỹ, ngang ngửa với tỷ lệ sinh viên Mỹ da đen và gốc La-tinh cộng lại, trong khi dân số của 2 nhóm này chiếm khoảng 32% dân số nước Mỹ. Điển hình, đại học danh tiếng UC-Berkeley có số sinh viên gốc Á luôn chiếm tỷ lệ trên dước 50%. Theo thống kê năm 2013, tỷ lệ người gốc Á ở Mỹ độ tuổi 25 trở lên, 49.8% có bằng đại học 4 năm trở lên so với người Mỹ da trắng là 31%.
Muốn vào được các trường hàng đầu, có lúc đòi hỏi ứng viên Mỹ gốc Á phải trội hơn những giống dân khác. Chính sách kỳ thị ngược (reverse discrimination) của một số trường đại học, luật bất thành văn này đã bị dư luận Mỹ chỉ trích kịch liệt trong một thời gian, nên nay không còn là vấn đề lớn.     
Ngày nay, không còn ngạc nhiên khi vào các bệnh viện ở Mỹ gặp Bác sĩ gốc Ấn Độ, ra quầy thuốc là gặp Dược sĩ gốc Việt, vô các đại học nghiên cứu là gặp Giáo sư gốc Trung Quốc. Nếu không có số lượng lớn người gốc Á đầu tư và làm việc tại các công ty phần mềm, công nghệ cao ở Thung lũng Sillicon Valley, chắc gì nơi được mệnh là “cái nôi ứng dụng công nghệ thông tin của nước Mỹ” phát triển như hiện nay.    
Cũng với tinh thần khoa bảng ấy, có nơi thì nở rộ .. có nơi thì luẩn quẩn, tụt hậu. Phải chăng hạ tầng cấu trúc của xã hội là yếu tố quyết định sự phát triển của nền giáo dục. Ngày nào sân chơi chưa tốt, thì một số nguồn nhân lực có khả năng của ta còn đành phải chơi sân người.. nói cách khác là chảy máu chất xám.   
Với tinh thần và nguồn nhân lực gốc Á ở Mỹ tốt như vậy, ông nhận định tương lai Châu Á sẽ như thế nào?
Ông Trần Đức Cảnh: Dưới thời Thiên Hoàng Minh Trị (Mutsuhito 1852 – 1912), nước Nhật có chính sách “xuất Á” để tiếp nhận văn hóa và kỹ thuật của các nước phương tây nhằm canh tân, biến nước Nhật thành quốc gia hùng mạnh sau này. Nhưng trong thế giới hội nhập hiện nay, theo tôi nên dùng từ “chuyển Á” thì đúng hơn. Có nghĩa là loại bỏ những quy luật vận hành xã hội lạc hậu, bất cập, kém hiệu quả, phản logic, làm cản trở không ít cho sự phát triển đất nước và khu vực, xây dựng cho chính mình một sân và luật chơi tốt hơn.. tôi cho đó là “chuyển”, chứ không phải “xuất”.
Nếu không xảy ra biến cố lớn ở Châu Á  trong thời gian tới, theo tôi thì “trục giáo dục” sẽ tiếp tục xoay mạnh về khu vực Á Châu, và đây sẽ trở thành một trong 3 trung tâm giáo dục lớn của thế giới và có khả năng vược Âu Châu trong 20 năm tới về số lượng trường nằm trong top 100 của thế giới. Trung Quốc, Hồng kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Ấn Độ là những nước phát triển giáo dục mạnh. Việt Nam nếu không chấn chỉnh nhanh hệ thống giáo dục và đạo tạo, thì rất có khả năng tiếp tục tụt hậu, trong khi tiềm năng thì không chênh lệch các nước là bao.   
Châu Á hiện nay có trên 4,3 tỷ người, chiếm 60% dân số thế giới, là khu vực kinh tế – thương mại năng động nhất của thế giới trong thế kỷ 21. Phát triển kinh tế mạnh mẽ gắn liền với hệ thống giáo dục của khu vực là chuyện không thể thiếu.
Tương lai cộng đồng người Châu Á, và người  Việt nói riệng sẽ phát triển như thế nào ở Mỹ?
Ông Trần Đức Cảnh: Nhìn về khía cạnh tích cực và ở cấp độ vĩ mô, nước Mỹ đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế Châu Á gần hai phần ba thế kỷ qua, các nước được hưởng lợi nhiều nhất từ thị trường rộng lớn của Mỹ: nguồn vốn, chuyển giao công nghệ và kiến thức quản lý gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và gần đây hơn là Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy số dân chỉ khoảng 16 triệu người, cộng đồng Châu Á ở Mỹ nói chung là cộng đồng rất mạnh, năng động, nhưng sống rất hòa đồng và bình đẳng. Trong đó cộng đồng người gốc Việt (khoảng 1.8 triệu người), còn non trẻ nhưng cũng sánh vai với các cộng đồng bạn không thua kém. Dân gốc Châu Á đã giúp “thay máu” nền giáo dục và kinh tế nước Mỹ, đặc biệt là lãnh vực khoa học kỹ thuật, trong nhiều thập niên qua, đồng thời là sợi dây quan trọng kết nối giáo dục, kinh tế, thương mại với quốc gia cũ của họ. Không ngạc nhiên khi nước Mỹ có một tổng thống Mỹ gốc Ấn, một Bộ trưởng Tư pháp hay Tối cao Pháp viện gốc Việt trong tương lai không xa.     
Tại sao người Châu Á lại thành công tại Mỹ nhanh chóng như thế ? Vì nơi đó họ có đất dụng võ cho tinh thần hiếu học.
Với nguồn lực và liên hệ Mỹ-Á này, cộng với sự phát triển năng động của khu vực hiện nay và sắp tới, thế kỷ 21 phải thuộc về Châu Á. Tôi nhìn thấy khả năng của một Châu Á trỗi dậy hòa bình và thịnh vượng thật sự, chứ không phải những tranh giành hẹp hòi, kém cõi đang diễn ra.
Xin cám ơn ông.
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nguoi-Viet-Nam-hieu-hoc-nhung-sao-dat-nuoc-van-ngheo-post152648.gd

Bạn đã sẵn sàng để du học?

NEEC là đối tác và hỗ trợ lộ trình du học, nộp hồ sơ vào các trường Trung Học - Đại Học hàng đầu nước Mỹ, Canada
Liên hệ ngay Hẹn tư vấn