Nhà đầu tư Trần Đức Cảnh: Giàu sang mới là giá trị của đời sống - Tư vấn du học NEEC

Blog

Nhà đầu tư Trần Đức Cảnh: Giàu sang mới là giá trị của đời sống

Vừa là nhà giáo dục, vừa là doanh nhân, vừa là nhà quản lý hành chính, trong mỗi lĩnh vực khác biệt hẳn nhau, ông Trần Đức Cảnh đều ghi dấu ấn của mình như một nỗ lực không ngừng nghỉ vì con người, vì đất nước.
Trần Đức Cảnh, Nhà Đầu tư Du lịch và khách sạn nghỉ dưỡng
Trần Đức Cảnh, Nhà Đầu tư Du lịch và khách sạn nghỉ dưỡng.

Ông Trần Đức Cảnh từng giữ chức vụ Giám đốc chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của bang Massachusetts, Mỹ, ở thời điểm những năm 80, khi mối quan hệ Việt- Mỹ còn căng thẳng, ông đã vận động, đóng góp nhiều vào chính sách hỗ trợ và bảo vệ các thuyền nhân Việt Nam, trên biển và ở các trại tỵ nạn nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, giúp hàng chục nghìn người định cư  và có đời sống và công ăn việc làm ổn định tại bang của ông.
Là một trong những người góp phần cho Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) và chương trình và đại học Fulbright Việt Nam, ông đã cùng bạn bè Mỹ tạo điều kiện cho nhiều thế hệ trí thức Việt Nam hội nhập với kiến thức giáo dục, khoa học kỹ thuật và kinh tế thị trường.
Sau hợp tác thành công xây dựng khách sạn Inter-Continental Nha Trang, ông lại bắt tay xây dựng dự án khu Du lịch Nghỉ dưỡng tại Bình Định …  Đi về liên tục giữa Việt Nam và Mỹ, mỗi lần gặp ông lại có một công việc mới, một dự án mới, với nguồn năng lực lúc nào cũng cháy bỏng và tươi mới trong ông.
Năm tháng ở xứ người và những đóng góp thầm lặng
Từng là Giám đốc chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực và các chương trình xã hội của chính quyền bang Massachusetts trong nhiều năm, việc người Việt vượt biên có nằm trong trách nhiệm của anh? Vì sao anh có thể đóng góp sức mình vào những chính sách nhân đạo của Mỹ với thuyền nhân Việt Nam lúc đó?
Nhìn thảm cảnh của biết bao gia đình người Việt vượt biên bị cướp, bị giết, chết trên đường đi… số đến được thì gặp đời sống khốn khó trong các trại tị nạn, thế giới ai biết cũng phải đau lòng, huống hồ là người Việt như chúng ta. Tôi đã bỏ năm cuối đại học để tình nguyện giúp nhiều người Việt, Miên và Lào định cư trong vùng của tôi.
Bang tôi lúc đó có Thượng Nghị Sĩ Edward (Ted) Kennedy, một người rất có uy tín và thế lực tại Thượng viện Mỹ, là người con trai út của triều đại Kennedy. Thượng nghị sĩ Kennedy là người rất quan tậm đến vấn đề này, tôi làm quen và có cơ hội làm việc với ông nhiều năm, đồng thời vận động với các Thượng nghị sĩ và Dân biểu khác trong Quốc hội Mỹ, đề xuất các chương trình giúp người vượt biên, tránh bớt cảnh rủi ro trên biển cũng như tạo điều kiện cho họ nhanh chóng đến định cư ở Mỹ và các nước.
Tôi học cách vận động hành lang và làm quen với Washington từ những năm đầu thập niên 80, không phải để mưu sinh hay quyền lực, mà mục tiêu chính vì đồng bào mình.
Thập niên 80 và đầu 90,  ngoài vai trò quản lý các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, xã hội, phát triển cộng đồng của bang, tôi còn phụ trách thêm chương trình tỵ nạn và di trú trong tiểu bang. Chính quyền và người dân bang tôi có quan điểm cấp tiến nhất nước Mỹ và có khuynh hướng thiên về xã hội. Do đó chí phí những chương trình “vùng trũng” của tiểu bang như trợ cấp xã hội, nhà cửa, y tế cho dân rất cao…
Chương trình định cư và hội nhập của người tỵ nạn (đến từ nhiều nơi trên thế giới) tại bang tôi lúc đó được chính quyền Liên bang đánh giá là hiệu quả và thành công nhất nước Mỹ. Chương trình định cư bao gồm trợ cấp xã hội giai đoạn đầu, giáo dục, y tế, học nghề và tìm công ăn việc làm … Mục đích là giúp cư dân ổn định đời sống, hội nhập thành công vào đời sống xã hội.
Khó tìm một đất nước nào trên thế giới đón nhận, tạo điều kiện cho người mới nhập cư hội nhập thành công … dù họ thuộc thành phần, mầu da, chủng tộc, tôn giáo nào … như nước Mỹ.
Để có được giấy phép hoạt động cho đại học Fulbright tại Việt Nam ngay trước ngày Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ trí thức hai nước, trong đó có anh?
Từ văn phòng của tôi đến Đại học Havard chỉ mất 15 phút, nên tôi thường xuyên gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp và tham gia các chương trình của Đại học Harvard như tuyển sinh, cấu trúc các chương trình giảng dạy …, việc giúp chương trình Fulbright Việt Nam là điều tự nhiên. Với tôi Đại học Harvard không chỉ là một trường đại học mà là một gia đình lớn, một thư viện, kho tàng trí tuệ mà tôi may mắn có điều kiện tiếp cận, học hỏi và chia sẻ hơn 3 thập niên.  
Chương trình Fulbright của Mỹ đã có từ năm 1946 và hoạt động trên toàn cầu, mục đích là tạo điều kiện cho một số trí thức trên thế giới đến học tập, nghiên cứu khoa học và tìm hiểu về nước Mỹ qua các chương trình học bổng ngắn hay dài hạn, và ngược lại đưa người Mỹ sang học tập,  giảng dạy, nghiên cứu các nước. Số người nước ngoài vào Mỹ theo chương trình này khoảng 3600 người mỗi năm. Một số những người này đã trở thành lãnh đạo của nước họ, trong đó có Việt Nam.
Để xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, chương trình như Fulbright đã và đang đóng góp không nhỏ vào việc này, đặc biệt là trong thế giới dần được thu hẹp như hiện nay.  
Chương trình Fulbright lúc đó đã có rồi, việc kết nối với Việt Nam là điều không quá khó, vấn đề là thời điểm nào phù hợp. Đầu thập niên 90, Việt Nam và Mỹ chưa có quan hệ ngoại giao, đại học Harvard và các tổ chức dân sự khác đứng ra làm cầu nối chương trình Fulbright với Việt Nam là hợp lý.
Mỗi năm chương trình chọn khoảng 25 sinh viên sang học ở các đại học hàng đầu của Mỹ. Hiện nay đã có trên 600 người Việt Nam được đào tạo và nhận bằng Thạc sĩ theo chương trình này.  
Sau khi chương trình Fulbright Viêt Nam đã được hiện thực, nhận thấy nhu cầu trong nước cần đào tạo các chuyên viên cao cấp, các lãnh đạo Sở, ban ngành địa phương khả năng phân tích, đánh giá, làm chính sách, quản lý nhà nước theo hướng kinh tế thị trường, chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) tại Việt Nam ra đời năm 1995, đến nay đã hơn 20 năm và đã có hơn 1.200 người được đào tạo.
Năm 1999, tôi cùng nhóm bạn xây dựng ý tưởng chương trình học bổng dành sinh viên Việt Nam đào tạo cấp Thạc sĩ, Tiến sĩ các ngành khoa học và kỹ thuật, sau đó Quỹ Giáo Dục Việt Nam (VEF) ra đời cuối năm 2000 và hoạt động cho đến nay, mỗi năm tuyển chọn và đào tạo khoảng 40 du học sinh tại các đại học nghiên cứu hàng đầu của Mỹ.      
Về sự ra đời của đại học Fulbright, tôi chỉ tham gia về ý tưởng với nhóm bạn bên Mỹ, hỗ trợ họ trong việc tìm kiếm địa điểm phù hợp để xây dựng trường, vận động việc cấp giấy phép tại Việt Nam ..
Là người quen biết của Robert (Bob) Kerry, khi chuyện Bob Kerry nổi lên, anh đã lên tiếng bảo vệ, động viên ông tiếp tục đóng góp cho Việt Nam?
Điều tôi lo ngại không phải là quan điểm hay góc nhìn của mỗi người về vấn đề Bob Kerrey trong thời chiến, mà là thông tin về việc này. Có thể nói là chủ quan. Ví dụ như việc lấy 20 triệu USD từ Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) chẳng hạn, tôi tham gia rất sâu vào chương trình này ngay từ lúc còn trên giấy nên hiểu khá rõ. Năm rồi chúng tôi vận động tặng tiền và thời gian hoạt động của VEF nhưng chưa được, thì việc lấy tiền của chương này để xây dựng đại học Fulbright là điều không thể.
Đồng thời chúng ta cũng nên hiểu thêm về bản chất của cuộc chiến lúc đó, nhân thân của Bob Kerrey và việc làm của ông ta suốt 25 năm qua liên quan đến các vấn đề Việt Nam. Tôi từng giúp ông ta vận động tranh cử Tổng Thông Mỹ năm 1992, nên hiểu tương đối nhiều về ông.
Vài ngày sau câu chuyện Bob Kerrey xảy ra, tôi đã trao đổi và khuyên ông ông Bob Kerrey tiếp tục giữ chức Chủ tịch đại học Fulbright. Không biết lời khuyên của tôi có tác động gì lắm không, ông đã quyết định không từ chức nữa.
Bob Kerrey là người ủng hộ việc thiết lập bang giao với Việt Nam từ rất sớm, và giúp kết nối các chương trình giáo dục với Việt Nam suốt 25 năm trong đó có đại học Fulbright, chương trình Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF). Ông đã cố gắng giúp hàn gắn nỗi đau chiến tranh và của chính ông. Tôi nghĩ người Việt bắt đầu hiểu ông. Hành động và ứng xử của ông rất nhân bản, nhưng thiết nghĩ người Việt cũng nhân bản không kém…  Có thể chính người Việt Nam đã giúp gỡ cái “bóng đè” chiến tranh trong tâm tưởng ông suốt 47 năm qua.
Là người đóng góp nhiều cho giáo dục đại học suốt nhiều năm qua, vì sao ông dành hết tâm huyết của mình cho cải cách giáo dục?
Công việc chính của tôi là xây dựng chính sách và quản lý các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bang, đồng thời là thành viên Hội đồng Liên trường Đại học vùng Đông Bắc bang Masachusetts nhiều năm, tôi có cơ hội làm việc với các Hiệu trưởng và tham gia các hoạt động của 12 trường đại học, tôi hiểu rất sâu về mô hình tổ chức và hoạt động của mỗi trường, mô hình phát triển nền giáo dục đại học, các vận hành của từng loại trường cụ thể… từ đó xây dựng chương trình liên kết và hợp tác phát triển của toàn vùng. Mô hình này rất thiếu vắng trong giáo dục đại học Việt Nam hiện nay.
Ở Việt Nam, chưa nói đến chất lượng, số lượng đào tạo trình độ cao đẳng trở lên cũng chưa đến đâu cả. Hiện nay lực lượng tuổi từ 25 có bằng cao đẳng trở lên chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 10% trên tổng số. Trong khi Hàn Quốc và Mỹ đã trên 40%, nguồn nhân lực này chưa bằng ¼ so với Hàn Quốc, thì làm sao thực hiện tốt kế hoạch phát triển công nghiệp và hiện đại hóa đất nước?
Tuy giáo dục đào tạo trong thời đại CNTT có khác, nhưng cần phải đạt được đến một trình độ nào đó mới đủ khả năng và kiến thức tiếp cận được điều kiện khoa học, kỹ thuật, thông tin, quản lý…  Tôi tham gia vào giáo dục đại học trong nước không phải vì muốn mà cần.
Phát triển du lịch: Đừng nhọn như…trái mít!
Lý do nào một chính khách dày dạn kinh nghiệm như ông lại chọn con đường trở về Việt Nam khởi nghiệp trong vai một doanh nhân?
Về nước lần đầu năm 1999, đi cùng đoàn của một tổ chức tài chính của chính phủ Mỹ, lúc đó tôi nghĩ với kinh nghiệm làm việc và kiến thức sẵn có, nếu về Việt Nam thì mình có thể đóng góp nhiều hơn. Một phần, tôi cũng đã chán công việc quản lý Nhà nước ở Mỹ lúc đó.
Năm 2000, tôi nhận công việc Giám đốc Kinh doanh cho một công ty đa quốc gia của Mỹ chuyên về năng lượng mặt trời, sau đó kiêm thêm chức vụ Tổng Giám Đốc chi nhánh Việt Nam, chuyên cung cấp sản phẩm điện mặt trời cho các dự án, những hộ dân vùng sâu vùng xa ở Việt Nam.
Từ quản lý bộ phận mấy trăm viên chức bang, tôi chuyển sang quản lý công ty tư nhân khoảng 60 nhân viên tại Việt Nam.  Mình gốc ở quê nên công việc này vô cùng thú vị, được đi vùng sâu, vùng xa, những nơi không có điện như Côn đảo, Đất mũi, hay Ban Mê Thuột … làm việc với chính quyền, tổ chức các cấp và gặp gỡ người dân mọi miền đất nước. Công việc này tuy nhỏ nhưng rất thú vị.
Selco-VN là một trong hai Công ty Mỹ trên thế giới đã được bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao giải Công ty Mỹ xuất sắc năm 2002, do thành tích hoạt động và những đóng góp tích cực cho xã hội.  Do thị trường điện mặt trời rất giới hạn ở Việt Nam, nên công ty mẹ đã chuyển phần lớn đầu tư sang thị trường Ấn Độ và các nước khác. Sau đó tôi tôi rời công ty và nhận làm tư vấn cho ngân hàng thế giới về năng lượng tái tạo.
Và anh lại khởi nghiệp lần thứ hai với khách sạn Inter-Continental Nha Trang?
Nhận công việc làm Tư vấn trưởng, nghiên cứu đánh giá môi trường, kinh tế và khả năng phát triển năng lượng tái tạo ở các đảo trong vịnh Nha Trang, đây có lẽ là công việc thú vị trong cuộc đời làm việc mà tôi có thể tưởng tượng. Buổi sáng đi tàu ra các đảo khảo sát, nghiên cứu và tiếp cận với dân, trưa bắc võng nằm dưới rặng dừa nghỉ, buổi chiều làm tiếp… Làm việc với dân trên các đảo trong vịnh Nha Trang thích lắm, họ rất chân chất và hiếu khách.
Từ đó tôi nghĩ chuyện sẽ về Nha Trang làm cái gì đó cho quê mình. May mắn kết hợp với một nhóm đầu tư khách sạn Inter-Continental tại Nha Trang, tuy quá trình đầu tư xây dựng khách sạn kéo dài nhiều năm, nhưng cuối cùng dự án cũng thành công.  
Anh có quá mạo hiểm không khi khởi công xây dựng khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng ở Bình Định với quy mô lớn, mời cả các công ty quản lý khách sạn Ritz- Carton, JW Mariott, nhưng sau 8 năm triển khai vẫn chưa thực sự thành hình?
Năm 2009-2011 tình hình kinh tế Mỹ khá đen tối, một phần do các đối tác Mỹ không tiếp tục góp vốn tham gia; một phần do vướng khâu giải phóng mặt bằng mất thời gian quá lâu, năm 2012 khu tái định cư cho dân mới xây xong mới chuẩn bị giao đất sạch cho chủ đầu tư. Lần đầu tôi tham gia một công việc tốn kém và mất nhiều thời gian công sức như vậy. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì thực hiện việc đầu tư, xây dựng và hình thành một Khu du lịch chất lượng theo như kế hoạch, tôi tin vào kết quả và điều tốt đẹp phía trước. Ở đâu cũng vậy, khi có ý chí và quyết tâm thì con đường sẽ mở ra cho chúng ta.
Anh đánh giá thế nào về tiềm năng của Việt Nam nói chung và Bình Định trong phát triển du lịch?
Năm 2015, có gần 29 triệu khách quốc tế đến Thái Lan, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 8 triệu nhưng chất lượng khách chưa chắc bằng.  Tiềm năng du lịch Việt Nam đâu thua kém gì Thái Lan, nhưng cách tiếp cận thị trường, quản lý và sản phẩm du lịch và tính liên kết với các địa phương còn nhiều vấn đề. Muốn nâng du lịch Việt Nam lên một tầm mới, bài toán vĩ mô phải được tính đến trước.  
Du lịch có nhiều dạng và điểm khác nhau như khám phá, tham quan, nghỉ dưỡng. Riêng về phân khúc nghỉ dưỡng thì nên tập trung phát triển ở miền Trung, điển hình từ Huế vào đến Nha Trang, nơi có điều kiện phù hợp nhất so với cả nước cho mô hình này. Phần quan trọng còn lại là tính liên kết, đầu tư hạ tầng cứng và mềm, và quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu …
Tôi thấy chiến lược đầu tư phát triển du lịch Việt Nam từ lâu có vẻ như “ăn đồng, chia đều” giữa các địa phương, Phát triển du lịch đừng nhọn như … trái mít, rút cục chẳng biết lợi thế cạnh tranh và điểm nổi trội mình nằm ở đâu.
Du lịch Việt Nam cần lượng khách quốc tế, nhưng không phải bằng mọi giá. Phải chủ động hơn trong chiến lược tiếp thị, quảng bá và thu hút khách quốc tế ở nhiều thị trường.  Tôi nghĩ chúng ta đang rất bị động trong việc này và để cho một hai thị trường khách quốc tế ảnh hưởng quá lớn, làm lệch lạc hình ảnh, văn hóa, điều kiện và môi trường du lịch ở nhiều địa phương, nếu không nói là cả nước. Điều này rất tai hại và cần chấn chỉnh sớm.
Bình Định phù hợp cho các dự án du lịch nghỉ dưỡng có quy mô lớn, địa điểm phù hợp, gắn kết với môi trường và văn hóa địa phương, giao thông kết nối lâu dài sẽ thuận tiện hơn. Giá trị và lợi thế cạnh tranh của du lịch Bình Định là môi trường còn nguyên sơ, không gian yên tĩnh, và văn hóa đặc thù. Nếu như du lịch Quy Nhơn/Bình Định giống như Nha Trang hay Đà Nẵng thì lợi thế đó không còn nữa. Khai thác đặc thù, điều kiện, cảnh quan thiên nhiên và tính độc đáo của từng địa phương là yếu tố tối cần thiết trong phát triển du lịch.
Đó là những lý do tôi chọn đầu tư dự án tại Bình Định, và các tập đoàn quản lý khách sạn tên tuổi trên thế giới như Ritz-Calton, JW Marriott hay Hyatt cùng đồng hành với tôi, sớm biến mô hình du lịch nghỉ dưỡng tại Bình Định thành hiện thực. Sử dụng thương hiệu lớn trên thế giới để thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam và bảo đảm lượng khách ổn định và lâu dài. Nếu không thì rất rủi ro cho đầu tư.
Theo quy hoạch chung thì Bình Định hiện nay không có khuynh hướng xé nhỏ các dự án như Cam Ranh, Đà Nẵng, tôi cho đây là điều rất đúng, nhưng đòi hỏi nhà đầu tư tầm cỡ mới có khả năng thực hiện mô hình này.  
Nghiên cứu nhiều về các mô hình thế giới, muốn phát triển bền vững và ổn định, phải cần xây dựng nhiều mô hình du lịch như văn hóa, khám phá, ẩm thực, golf, biển … nhưng du lịch nghỉ dưỡng cao cấp mang lại nguồn thu lớn và phát triển ổn định nhất, khách đi lại nhiều lần và ở lâu hơn..  
Thái Lan đã thành công với mô hình này, tuy nhiên họ cũng phải qua những giai đoạn như Việt Nam hiện nay, chúng ta cần nhanh chóng chuyển đổi. Có những bài học về du dịch Thái nên tránh tuyệt đối như loại du lịch tình dục chẳng hạn.
Giàu sang mới là giá trị của đời sống
Vừa là nhà quản lý và làm chính sách, vừa là doanh nhân, vừa là nhà giáo dục, “nhà” nào anh thấy khó nhất?
Tôi cố gắng học hỏi, hiểu biết sâu lĩnh vực mình tham gia, nhưng không nhất thiết phải gắn bó với một công việc nào lâu dài quá, dễ sinh nhàm chán. Giáo dục đại học, làm du lịch – khách sạn, năng lượng tái tạo, hay đi vận động tranh cử cho bên Mỹ… chuyện gì cũng thích và có thể làm được. Cái chính là mình tìm thấy sự thích thú, sáng tạo và mới mỗi ngày, sự đóng góp đó mang lại hiệu quả và giá trị cho xã hội.
Nhưng làm doanh nhân trong môi trường Việt Nam với tôi là thử thách nhất, có những cái mình không quen, và không dễ dàng thỏa hiệp, một phần do cá tính và một phần do chứng bệnh từng là “công bộc của dân”. Nếu mình phải nhờ vả ai đó điều gì thì ngại lắm.
16 năm làm việc ở tiểu bang bao giờ cũng thích nhận lãnh những công việc hay dự án mới. Cái vui là làm được nhiều việc, tuy có khó khăn nhưng giải quyết được nhiều vấn đề . May mắn nữa là được làm những việc mình thích, chủ động và linh động. Chưa bao giờ sợ mình không có việc để làm, nên làm gì cũng tập trung.
Anh quan niệm thế nào về sự giàu có?
Trong tiếng Anh tôi thích từ Wealth (giàu sang) hơn, bao hàm giá trị của đời sống, vật chất đi tới sự giàu có về tri thức, tâm hồn … theo tôi những người thể hiện sự giàu sang như Bill Gate, Warren Buffett ..  Gần đây xã hội Việt Nam nổi lên một lớp người giàu, do một phần nắm bắt rất tốt cơ hội kinh tế xã hội thay đổi, nhưng lâu dài chữ Wealth mới giúp cho xã hội ổn định và bền vững.
Gần đây tôi thấy báo chí trong nước có vẻ như cổ súy cho lối giàu vật chất quá nhiều, đặt biệt là giới trẻ. Giàu có là điều tốt, nhưng cũng cần cân đối với các giá trị khác thì cuộc sống cá nhân và xã hội mới cân đối. Giàu vật chất mà không đóng góp gì cho xã hội hay môi trường sống chung quanh, thì không gọi là sang?
Làm thế nào anh có thể giữ được nụ cười nhẹ nhàng tươi rói trong những lúc cùng cực nhất?
Tính lạc quan dường như bẩm sinh trong tôi. Ở Mỹ tôi cũng có nhiều người bạn như thế, có người sau khi thất cử đau đớn, nhưng sáng hôm sau kêu tôi đi ăn sáng mặt vẫn tươi tỉnh. Tôi nghiệm ra rằng, người ta chỉ có thể lạc quan khi coi nhẹ mọi thứ đã xảy ra, khi đã làm hết sức mình cho công việc gì đó, tuy là không thành. Trận chiến nào cũng phải chiến đấu tới cùng, nếu phải thua thì thôi, phải chấp nhận đó là thực tế, một là thôi không làm nữa, hai là san bằng làm lại từ đầu trên tinh thần thượng võ.  
Anh nhìn nhận thế nào về cách sống, cách kinh doanh của doanh nhân Việt?
Tôi nghĩ là doanh nghiệp trong nước không thiếu tầm nhìn, nhưng trong môi trường và điều kiện kinh doanh còn rất nhiều rủi ro, bất trắc và thiếu tính ổn định, nên một số doanh nghiệp có khuynh hướng thu hẹp tầm nhìn, không dám đặt kế hoạch dài hạn. Khi một hệ thống kinh tế xã hội như vậy thì đại bộ phận doanh nhân bị thiệt và cả xã hội bị thiệt theo.
Muốn phát triển lớn thì phải xây dựng thương hiệu, hiện nay chỉ lác đác vài thương hiệu Việt Nam trên thương trường quốc tế …Câu chuyện hội nhập còn lâu, và còn nhiều gian nan, nhưng tôi vẫn tin tưởng vào ý chí và khả năng của lực lượng doanh nhân trong tương lai.
Mong ước lớn nhất của anh?
Hoàn thành dự án Khu du lịch của tôi trong 5 năm tới. Mong muốn cá nhân vẫn tham gia xây dựng một trường đại học đàng hoàng, trong đó có nhiều chương trình và trung tâm nghiên cứu khoa học, xã hội, nhân văn … và còn nhiều cách khác để đóng góp, khi có điều kiện.
Quan niệm của tôi là mỗi người chúng ta chỉ có một đời để sống, để làm việc, để đóng góp và chia sẻ .. nên hết mình với cuộc sống đang có. Nếu được tái sinh thì cũng xin được làm người chứ không xin làm “cây thông đứng giữa trời mà reo”, buồn lắm.  
Xin cảm ơn anh!
Nguồn: https://bizlive.vn/cau-chuyen-kinh-doanh/bizstory-nha-dau-tu-tran-duc-canh-giau-sang-moi-la-gia-tri-cua-doi-song-1803633.html

Bạn đã sẵn sàng để du học?

NEEC là đối tác và hỗ trợ lộ trình du học, nộp hồ sơ vào các trường Trung Học - Đại Học hàng đầu nước Mỹ, Canada
Liên hệ ngay Hẹn tư vấn