“Tôi nghĩ cỡ khoảng 20-22% các môn học hiện nay ở Đại học là không cần thiết, không liên quan tới kiến thức chung, trong đó mất 22% thời gian không cần thiết”.
LTS: Tiếp tục câu chuyện học để có việc hay để thất nghiệp, hôm nay, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò truyện với ông Trần Đức Cảnh – một người có nhiều năm kinh nghiệm quản lý và xây dựng chính sách cho các Chương trình Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực tại bang Massachusetts (Hoa Kỳ), ông cũng là một trong những doanh nhân tại Việt Nam, cho biết câu chuyện này dựa trên các cấp độ khác nhau, từ vĩ mô tới cấp trung và kỹ năng tìm việc.
Theo ông Trần Đức Cảnh, vấn đề mấu chốt vướng mắc lớn nhất lại đang nằm ở tầm vĩ mô.
Mượn câu chuyện từ nước Mỹ xa xôi, ông Cảnh dẫn chứng, năm 1991 một người bạn của ông có giúp cho tổng thống Mỹ Bill Clinton lúc đó vận động tranh cử.
Ông Cảnh từng hỏi người trợ giúp Bill Clinton rằng, nếu Bill Clinton có cách nào thắng được George Bush (cha) – thời điểm này uy tín của George Bush lên cao.
Người trợ giúp kia nói thề một câu, sau này thành câu để đời: economy, economy, economy, (kinh tế). Đó là mấu chốt ở kinh tế, không giải quyết được thì không có công ăn việc làm, và tất cả đều bế tắc.
Nội dung này được ông Trần Đức Cảnh trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Tòa soạn trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Vậy, ông cảm thấy ra sao khi mỗi năm số cử nhân không tìm được việc ngày một nhiều, thậm chí có người nghĩ tới cái chết để giải tỏa?
Ông Trần Đức Cảnh: Hiện nay số tốt nghiệp hệ cử nhân có độ tuổi từ 25 trở lên mới có trên 7%, có khoảng 10% từ 25 tuổi trở lên có bằng cao đẳng. Ở Hàn Quốc hiện nay con số này 44%.
Hiện nay nếu nói chúng ta muốn trở thành một nước công nghiệp, nhưng chúng ta luôn nói “công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong khi con số tốt nghiệp đại học, cao đẳng trở lên chưa thể hiện được điều đó, đây là tôi chưa nói tới chất lượng.
Tôi nói điều nay có vẻ hơi cực đoan, có bao nhiêu người ở cấp địa phương đang dùng bằng giả, kém chất lượng. Chúng ta nói con số 200.000-300.000 người có bằng cử nhân đang thất nghiệp, giải quyết vấn đề này không khó nếu hệ thống kinh tế trong chính quyền công bằng với đại học thì không phải là vấn đề thất nghiệp. Hơn nữa, chúng ta chuộng bằng cấp hơi thái quá.
Ở phương tây học những ngành luật sư, bác sỹ thì bắt buộc có bằng để hành nghề. Còn lại mục tiêu đi học đại học không phải bằng là chính, mà chính là tạo cho người học có chuyên môn, có năng lực làm việc.
Còn ở ta bằng cấp đôi khi không đánh giá đúng được năng lực người học, một khi không đánh giá đúng năng lực người học thì giá trị được đào tạo bị xem nhẹ, chuyện bằng cấp lại xem nặng. Rõ ràng hai chuyện này là mâu thuẫn với nhau, cơ chế cho phép như vậy.
Ông Trần Đức Cảnh
Ở xã hội Mỹ, có thể trúng tuyển tuyển dụng vào làm việc, nhưng cũng có thể ngày hôm sau bị mời ra khỏi nơi làm việc, do không làm được việc, kể cả trong chính quyền cũng vậy. Chính đầu ra này mới tác động ngược lại với đầu vào. Hệ thống đào tạo của chúng ta không nghiêm chỉnh, không chặt chẽ, không minh bạch sử dụng đầu ra. Cấp độ thứ hai liên quan tới giáo dục, giáo dục trong phạm vi gia đình và xã hội. Từ lối suy nghĩ đào tạo về con người. Với suy nghĩ của ta, không đặt nặng vấn đề năng khiếu, độc lập, sáng tạo của một đứa trẻ, chúng ta không khuyến khích đứa trẻ để có môi trường tiếp cận, diễn đạt sự mong muốn.
Trong hệ thống các trường trung học, nhất là bậc THCS và THPT không động việc người học thể hiện năng khiếu. Còn ở phương tây lúc mới đi học học sinh đã được tạo điều kiện cho năng khiếu, sở thích, đam mê phát triển. Một khi con người có sở thích, có đam mê thì họ đi rất xa, nếu không chỉ là sàn sàn mà thôi. Một xã hội chỉ sàn sàn thì không làm được gì.
Mỗi người có một năng khiếu, một tiềm năng khác nhau, không đánh đồng một lứa trong thời đại hội nhập này. Cấu trúc xã hội là phải đổi, hiện nay tôi chưa thấy rõ ràng việc này. Khi nào xã hội có 70-80% những học sinh từ tiểu học, trung học, đại học mà đi theo năng khiếu, năng lực của các em thì xã hội mới phát triển được. Đó là lĩnh vực liên quan tới nghề nghiệp sau này.
Tôi thấy nặng nề ở bậc tiểu học lên tới trung học, nó triệu tiêu tính sáng tạo, năng khiếu, niềm đam mê là tai hại rất lớn. Hơn nữa, hiện nay công việc có vẻ khan hiếm, và chúng ta muốn theo đuổi cái gì đó cho chắc ăn.
Cả hệ thống như vậy sẽ đưa câu chuyện năng khiếu của một học sinh sinh trở thành vật chất, làm triệt tiêu đi năng lực của người giỏi mà đáng lẽ họ có thể đi vào lĩnh vực khác. Ý tôi muốn nói ở đây là hướng nghiệp phải sớm, có thể từ tiểu học, cấp THCS, cấp THPT, chứ không thể để sau đại học mới cho biết không thích ngành này, ngành kia. Ví như, ngành Y thường lấy điểm rất cao, dĩ nhiên ngành y muốn có lực lượng sinh viên giỏi, nhưng cũng không nhất thiết 27 hay 30 điểm phải học y khoa, có thể học về nghệ thuật, sư phạm, kỹ sư, vì năng khiếu không nằm ở đây. Có thể đó là một học sinh giỏi và đôi khi chính các em lại phải chịu một sức ép khác là ngành này dễ kiếm việc, thu nhập cao nên phải cố…
Thưa ông, có thể thấy rằng về lý thuyết sinh viên Việt Nam rất giỏi, nhưng thực hành, các kỹ năng thì lại kém so với sinh viên quốc tế. Điều này có hạn chế như thế nào đối với sinh viên mới ra trường?
Ông Trần Đức Cảnh: Ở phương tây không có chuyện chạy chọt để có được một công việc tốt, nếu làm như vậy thì người đó không có khả năng, không làm được việc chỉ mất công. Chính vì thế người xin việc bắt buộc phải tạo cho mình kiến thức, kỹ năng thì mới giữ được việc.
Ở Mỹ công việc có thể xin bằng nhiều cách, qua quảng cáo báo chí, trên mạng, hàng trăm công ty chuyên quảng cáo. Các công ty tuyển dụng thường là thật để tìm ra người làm việc, có làm việc mới có năng suất và ra được đồng lương.
Đối với sinh viên mới ra trường, nhà tuyển dụng có thể phỏng vấn chỉ khoảng 1 giờ, còn những vị trí khác có thể phỏng vấn thành nhiều vòng, thậm chí phỏng vấn bằng điện thoại, bằng skype. Người xin việc sẽ viết một bản khai và nội dung xin làm việc một cách sòng phẳng. Ở đây không ai xin ai.
Kỹ năng viết hồ sơ xin việc như thế nào để người đọc thấy hay, chú ý là một kỹ năng, phải thể hiện sự cống hiến cho đơn vị tuyển dụng.
Với kinh nghiệm của ông trong những lần tuyển dụng thì ông thường quan tâm tới những vấn đề gì của người xin việc, nhất là người mới ra trường?
Ông Trần Đức Cảnh: Thứ nhất tôi muốn biết em đó học trường nào, học những môn gì tuy rằng không cần liệt kê. Nhưng trong đó các môn nào liên quan tới công việc đang cần.
Ví như tôi tuyển công việc liên quan tới lễ tân trong khách sạn, thì người xin việc phải thể hiện các môn học về quản trị du lịch, điểm trung bình như thế nào…
Ngoài ra, những môn như Lịch sử Đảng, Chủ nghĩa Mác, Lịch sử văn minh thì tôi không cần, bởi những môn này không liên quan gì tới công việc mà tôi tuyển dụng.
Ông có nghĩ chương trình đào tạo cử nhân của ta hiện nay đang thừa và đang thiếu? Thừa với những môn học không liên quan tới ngành nghề và thiếu những môn phục vụ trực tiếp cho công việc?
Ông Trần Đức Cảnh: Vấn đề này nhiều người đã nói, tôi cũng đã nói rồi. Điều này có liên quan tới hệ thống giáo trình. Trong giai đoạn này cũng khó vì chính trị giáo dục. Còn các nước phương tây họ không cần thiết.
Tôi nghĩ cỡ khoảng 20-22% các môn học hiện nay ở Đại học là không cần thiết, không liên quan tới kiến thức chung. Trong đó mất 22% thời gian không cần thiết, và cắt đi cũng không ảnh hưởng gì tới kiến thức chung. Thay vào đó chúng ta dành 22% này cho sinh viên tự học thì tốt hơn (nếu ý thức sinh viên tốt).
Trong đó, những môn chính khoảng 40 môn, ví dụ ngành Kỹ sư điện, Cơ khí, Kinh doanh, Dịch vụ,…thì có khoảng 16 môn, cộng thêm 8 môn căn bản:Toán, Vật lý, Hóa học…còn lại khoảng 12-14 môn tự chọn.Hiện nay khung chương trình của mình cứng nhắc, tạo cho sinh viên rập khuôn, không tạo cho sinh viên thời gian tự nghiên cứu, theo đam mê của mình.
Trong điều kiện hiện tại và tương lai, ông có dự đoán về những ngành, nghề nào mà khi học xong sinh viên hạn chế tình cảnh thất nghiệp?
Ông Trần Đức Cảnh: Những lĩnh vực phát triển hiện nay nằm ở bất động sản và dịch vụ.
Còn nông nghiệp gần như chững lại, tăng trưởng rất chậm.
Nếu muốn phát triển kinh tế đất nước lâu dài, đầu tư và phát triển công nghiệp và dịch vụ là việc bắt buộc.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ như CNTT- phần mềm, chế biến nông sản-hải sản, du lịch và khách sạn …
Đây là các mảng mà tôi nghĩ với tiềm lực của Việt Nam sẽ phát triển tốt.
Trân trọng cảm ơn ông.
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Ong-Tran-Duc-Canh-chi-ra-nganh-mui-nhon-va-mui-tu-trong-giao-duc-dai-hoc-post166809.gd
Bạn đã sẵn sàng để du học?
NEEC là đối tác và hỗ trợ lộ trình du học, nộp hồ sơ vào các trường Trung Học - Đại Học hàng đầu nước Mỹ, Canada
Liên hệ ngay Hẹn tư vấn