Phát triển con người thế nào cho TK 21? - Tư vấn du học NEEC

Blog

Phát triển con người thế nào cho TK 21?

Ông Trần Đức Cảnh cho rằng chính chỉ số phát triển con người liên quan đến giáo dục và tất cả mọi vấn đề khác.
Thưa ông Trần Đức Cảnh, tại sao lại có kết quả nghiên cứu ra kết quả năng suất lao động của 17 người Việt Nam mới bằng 1 người Singapore?
Nếu so sánh năng suất lao động giữa cá nhân một người Việt với một người Singapore hay nước nào khác, như thế thì thật là phi lý. Lý do là hệ thống cứng và mềm của mình còn nhiều vấn đề, dẫn đến việc kém hiệu quả.  Một ví dụ như, các thủ tục xuất nhập hàng qua hải quan ở Việt Nam chắc chắn phải mất nhiều thời gian hơn ở Singapore; hạ tầng kết nối giao thông kém ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm, chưa nói đến các vấn đề mang tính tiêu cực khác trong xã hội, có thể làm ảnh hưởng đến mặt bằng năng suất lao động nói chung.
Ông Trần Đức Cảnh, thành viên tổ tư vấn của hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.

Ông Trần Đức Cảnh, thành viên tổ tư vấn của hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.

Trước nhu cầu phát triển của thế giới, đất nước chúng ta hiện nay, muốn hội nhập, cũng phải có điểm tương đồng, đó chính là sự tương đồng về giáo dục. Làm thế nào để con em mình hội nhập được khi phải đi học đi làm ở nước ngoài. Và ngay cả trong nước, và ngay cả khi chúng ta đón nhận các nước đầu tư vào Việt Nam bằng cách nào với nguồn nhân lực yếu kém?
Được biết, ông cũng trong nhóm tham gia đóng góp ý kiến cho việc cải cách giáo dục lần này, xin ông cho biết rõ thêm những quan điểm của ông về giáo dục hiện tại?
Quan điểm của tôi về giáo dục Việt Nam, cần đánh giá lại và thay đổi một số vấn đề rất cơ bản về hệ thống giáo dục  và đào tạo con người trên tổng thể, chứ không phải là xử lý tình huống. Làm thế nào để có tư duy dựa trên nền tảng giáo dục căn bản, để đưa đến lời giải đáp thiết thực: Phát triển con người thế nào cho thế kỷ 21 và qua đến thế kỷ 22?
Các quan tâm cụ thể của ông hiện nay?
Hiện tại tôi quan tâm đến một số cấu trúc chương trình giáo dục và đào tạo cụ thể, nhằm giải quyết vấn đề nguồn nhân lực thiết thực cho xã hội. Tôi cho rằng nên tách trung học cơ sở (THCS) thành hai nhánh: trung học phổ thông (THPT) và trung học nghề, tức là phân luồng theo nhu cầu của xã hội. Ở Mỹ, trên dưới 20% đi theo trung học nghề và tạo ra nguồn lực nghề rất tốt. Bất cứ xã hội nào cũng cần những người có tay nghề cao trong các lĩnh vực cần thiết như nấu ăn, sửa xe, thợ điện, thợ xây dựng, người giúp việc gia đình… Các nước phương Tây, những người này lương rất tốt. Đây là cách giải quyết lao động thặng dư sau THPT, bằng cách đào tạo tay nghề ngay sau THCS. Tôi nghĩ 30% học sinh sau THCS có thể theo hướng đào tạo này.
Theo luật nghề nghiệp hiện hành thì hệ cao đẳng trở xuống (ngoại trừ cao đẳng sư phạm) nằm dưới sự quản lý của bộ Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH). Quan điểm của tôi là, hệ cao đẳng nên xem như là phần của đại học, vì liên quan đến liên thông và cấu trúc các chương trình cơ bản của đại học. Theo tôi, toàn bộ chương trình từ lớp 1 – 12, kể cả phân luồng vẫn nằm ở bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), và hệ cao đẳng đến đại học trở lên cũng vẫn là của bộ GD-ĐT. Làm như vậy thì việc liên kết giáo dục rất tốt. Còn bộ LĐ-TB-XH thì quản lý chung hết về tất cả các hoạt động ngành nghề.
Ông có cho rằng, chính sự phát triển của internet với lượng kiến thức khổng lồ mà bất cứ học sinh nào cũng có thể tra cứu và tìm hiểu, chính là lý do mà chúng ta càng cần đến một triết lý giáo dục: giáo dục khai phóng?Quan tâm thứ hai của tôi là vấn đề tự chủ đại học. Đây là mô hình đã gần như ở khắp thế giới. Hiện tại, bộ GD-ĐT là đơn vị chủ quản  phần lớn các trường đại học, ngoại trừ các đại học quốc gia và họ cấp chỉ tiêu hàng năm, kiểm soát tất cả các trường. Như vậy, nếu theo mô hình tự chủ đại học thì bộ GD-ĐT sẽ chuyển từ bộ chủ quản sang bộ quản lý nhà nước. Luật Giáo dục đại học sắp tới có thể nhấn mạnh vai trò của hội đồng trường công và hội đồng quản trị trường tư. Tự chủ đại học có ba vế: 1- Tự chủ về tài chính: trường tự cân đối chi – thu, tự điều tiết, tự lo, chính điều này lại mở ra cơ hội nhiều cho các trường công. 2- Nhân sự có thể trường tự sắp xếp quản lý trường cho phù hợp, trong đó có thể bao gồm cả việc tự phong GS, PGS… thay vì ở cấp hội đồng quốc gia như hiện nay. Theo tôi hai vế đầu là phương tiện phục vụ cho mục tiêu để đến với tự do học thuật, mà sinh viên là sản phẩm cho thị trường nguồn nhân lực cao. Đại học không có tự do học thuật thì chỉ dừng ở mức dạy nghề cấp cao, chứ không phải đại học đúng nghĩa. Sản phẩm của đại học là sinh viên ra trường, và chính điều này đánh giá được chất lượng nhà trường có tốt hay không, có uy tín hay không. Cuối cùng, trường đó có nổi tiếng hay không là ở năng lực sinh viên, sự thành công của họ.
Thời tôi đi học, hầu như không có sách để học, tôi tìm tất cả mọi cách để có sách và đọc hết tất cả những gì mình có. Thời nay thì ngược lại, không biết đọc gì vì quá nhiều thông tin. Chính sự bùng nổ của internet khiến chúng ta bị quá tải thông tin, tuổi trẻ lắm khi không thể phân biệt được thông tin đúng sai, tốt xấu. Nếu giáo dục không trang bị tốt cho học sinh, sinh viên kiến thức nền tảng để hiểu, nhận thức, phân tích và tiếp nhận thông tin một cách bài bản, thì xã hội có vấn đề rất lớn. Chuyện này không chỉ có ở Việt Nam, mà ở các nước đều gặp phải. Ngày xưa Mạnh Tử có nói: “Đọc sách mà tin cả vào sách thì đừng đọc sách còn hơn”, ngày nay tôi xin phép đổi là: “Nếu đọc google mà tin hết vào google, thì đừng dùng google còn hơn”, vì vô hình trung mình bị lệ thuộc. Vì nền tảng giáo dục khai phóng giúp con người mở ra những chân trời mới bằng khả năng phân tích, phản biện, kiểm chứng và tính tổng hợp. Vì vậy, người trẻ cần được hướng dẫn từ nhỏ để có thể biết chọn lọc thông tin. Làm sao để họ phân định đúng hay sai, chứ không phải là cấm. Liệu cấm đoán trẻ dùng internet được không, thay vì đó chúng ta hướng dẫn một cách bài bản và trung thực.  Và đứa trẻ cần được giáo dục có ý thức, có trách nhiệm với điều nó tiếp nhận với từng độ tuổi. Hệ thống giáo dục cũng cần như vậy. Khi đứa trẻ biết tự chịu trách nhiệm thì nó sẽ tự biết tiết chế. Cho đứa trẻ quyền tự do, nhưng phải có ý thức trách nhiệm.
Để xã hội hướng tới một nền phát triển giáo dục lâu dài và bền vững, tôi cho rằng cần phải nhìn thấy nền tảng của việc gây ra những ứng xử văn hoá hiện tại là do sự lệch lạc về nhìn nhận  ý thức trách nhiệm của cá nhân, có thể dẫn đến một xã hội hỗn loạn.

Theo Ngân Hà thực hiện, ảnh Chân Triết
Nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc/phat-trien-con-nguoi-the-nao-cho-tk-21-857692.html

Bạn đã sẵn sàng để du học?

NEEC là đối tác và hỗ trợ lộ trình du học, nộp hồ sơ vào các trường Trung Học - Đại Học hàng đầu nước Mỹ, Canada
Liên hệ ngay Hẹn tư vấn