Bộ Giáo dục và đào tạo vừa công bố xin ý kiến rộng rãi dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên, thực tế bao năm nay đã bộc lộ rõ, càng sửa càng rối! Làm thế nào để sửa đổi một cách toàn diện hơn, giải quyết được những nút thắt quan trọng nhất, hướng đến một nền giáo dục nhân bản và khai phóng vẫn còn là một câu hỏi lớn.
TheLEADER thực hiện chuyên đề về giáo dục với sự tham gia của ông Trần Đức Cảnh, bàn sâu về những vấn đề nóng nhất trong giáo dục trung học, đại học hiện nay, những mô hình đầu tư giáo dục đúng nghĩa và những góp ý mang tính phản biện toàn diện hơn nhìn từ góc độ quốc tế và Việt Nam.
Ông Trần Đức Cảnh (bên phải) cùng cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Bài 3: Phát triển giáo dục đại học – Những bài học từ thực tiễn
Ông Trần Đức Cảnh nguyên là Giám đốc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của bang Massachusetts (Mỹ), Ủy viên Hội đồng liên trường đại học vùng Đông Bắc bang, nhiều năm làm cố vấn tuyển sinh cho Đại học Harvard. Ông được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bổ nhiệm vào Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2017 – 2021. |
Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm về chương trình học bổng Fulbright, trường đại học Fulbright hiện nay?
Ông Trần Đức Cảnh: Chương trình Học bổng Fulbright của chính phủ Mỹ bắt đầu năm 1946, ngay sau khi Đệ nhị thế chiến chấm dứt, Thượng nghị sĩ J. William Fulbright là người đề xuất. Mục tiêu của chương trình nhằm tạo sự giao lưu văn hóa, học thuật, nghiên cứu giữa Mỹ và các nước trên thế giới.
Hằng năm có khoảng hơn 3.000 ứng viên nhận học bổng Fulbright đến Mỹ nghiên cứu, học tập, và ngược lại rất nhiều sinh viên, giáo viên, nhà nghiên cứu Mỹ nhận học bổng này để đi các nước học tập, nghiên cứu. Chương trình này mang lại giá trị rất lớn về mặt văn hóa, hiểu biết về con người và thế giới, học thuật và nghiên cứu của nước Mỹ và thế giới hơn 70 năm qua.
Chương trình học bổng Fulbright có mặt tại Việt Nam đầu thập niên 90, khi lệnh cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam còn hiệu lực. Những người bạn của tôi thường xuyên bay 3-4 chặng đường mới đến được Việt Nam để tuyển chọn ứng viên cho chương trình này.
Công việc ở giai đoạn đầu khá thử thách từ ăn ở, phương tiện đi lại, an ninh, lại còn bị theo dõi thường xuyên, khi về lại các bạn có nhiều chuyện kể rất thú vị. Dần thì mọi thứ đã được mở ra, sự hiểu biết và cảm thông lớn dần, đến giờ thì việc đi học bổng Fulbright trở nên bình thường.
Câu chuyện học bổng Fulbright đến Việt Nam hay các nước khác, rất giống nhau, tầm nhìn của một người, TNS Fulbright, đã làm thay đổi cả thế giới.
Chương trình giảng dạy Fulbright tại TP. HCM, liên kết với Đại học kinh tế, bắt đầu năm 1995 giúp đào tạo một số chuyên viên, cán bộ về quản lý nhà nước và tư nhân. Lực lượng quản lý và giảng dạy chính của chương trình từ Mỹ sang. Một số các bạn đi học chương trình học bổng Fulbright về tham gia giảng dạy.
Sau hơn hai mươi năm, chương trình này đã đào tạo ra một lực lượng chuyên viên, quản lý nhà nước và công ty, góp phần không nhỏ cho sự thay đổi xã hội, lực lượng giảng chính dần thay thế bằng các bạn du học nước ngoài về.
Tôi rất tự hào là lực lượng giảng viên nòng cốt không chỉ làm tốt trong công tác giảng dạy, mà còn tham gia phân tích, phản biện các vấn đề kinh tế xã hội một cách chuyên nghiệp và sâu sắc.
Ý tưởng xây dựng một đại học Việt Nam theo mô hình của Mỹ đã bắt đầu trong chuyến thăm Mỹ của cố Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005. Theo yêu cầu của ông Khải, nhóm tư vấn Harvard đã làm việc trong nhiều tháng.
Dự án Đại học Fulbright chỉ mới bắt đầu triển khai trong khoảng 4 năm nay, và chính thức được cấp phép hai năm trước. Niên khóa 2017-2018, tuyển và đạo tạo khóa thạc sĩ đầu tiên dưới mái trường Đại học Fulbright; các chương trình cử nhân, thạc sĩ sẽ mở trong những năm sau.
Tôi và nhiều người khá ngạc nhiên vì độ “hot” của Đại học Fulbright trong xã hội hiện nay, dù chưa cho ra trường lứa đầu tiên, có lẽ phần lớn là do thương hiệu Fulbright rất có uy tín trong tuyển chọn và đào tạo nhiều năm qua.
Tuy nhiên, tôi nghĩ cũng không nên kỳ vọng quá nhiều khả năng là Đại học Fulbright sẽ trở thành cây đũa thần của giáo dục đại học Việt Nam.
Ông có hy vọng nhiều không vào những “hạt giống” sẽ được nhân rộng từ Fulbright? Ông đánh giá thế nào về sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ ở bước đầu, cũng như khả năng đóng góp của các mạnh thường quân sau này, để ngôi trường đại học này được hoạt động?
Ông Trần Đức Cảnh: Bản chất đại học Fulbright là trường không vì lợi nhuận (KVLN), tức là không có cổ đông, chia lời hay sở hữu cá nhân, toàn bộ lợi nhận từ hoạt động của trường được giữ lại để tiếp tục đầu tư.
Tổ chức Quỹ tín thác tại Mỹ, gồm những người tâm huyết muốn giúp đại học Fulbrigh phát triển, tiếp tục hỗ trợ nguồn tài chính và xây dựng các chương trình, đầu tư vào đại học Fulbright. Chính quyền Mỹ hỗ trợ phần tài chính ban đầu, lâu dài trường phải tự cân đối tài chính và tìm nguồn trong và ngoài nước để đầu tư phát triển.
Nhiều người cho rằng đại học Fulbright là của chính phủ Mỹ đầu tư, hay là trường của Mỹ, cả hai đều không đúng. Nguồn hỗ trợ tài chính từ chính phủ Mỹ và giúp vận động tạo thuận lợi cho đại học Fulbright bắt đầu rất quan trọng.
Dự án Đại học Fulbright thể hiện liên hệ ngoại giao tích cực giữa hai Chính phủ. Đại học Fulbright thành lập và hoạt động theo Luật Giáo dục Việt Nam, do đó các thủ tục xin phép thành lập, hoạt động có phần khó khăn hơn một trường nước ngoài thuần túy.
Fulbright là đại học Việt Nam, xây dựng và quản lý theo mô hình KVLN, cấu trúc chương trình theo mô hình giáo dục Mỹ, khuyến khích sự linh hoạt trong học tập, chương trình đa dạng và tính sáng tạo. Tuy đại học Fulbright chỉ mới ở bước khởi đầu, nhưng sẽ góp phần cho nền giáo dục đại học Việt Nam về mô hình tổ chức, quản lý và chương trình học thuật, đào tạo kỹ năng sống ..
Là người tâm huyết với giáo dục ông có lo lắng nhiều không khi thấy những đại gia đang nhảy vào đầu tư giáo dục… Theo ông, nhà đầu tư giáo dục cần có phẩm chất gì, để có thể tạo ra môi trường giáo dục bền vững cho thế hệ trẻ?
Ông Trần Đức Cảnh: Thời gian gần đây có một số tập đoàn tham gia đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, tôi nghĩ đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, ngành giáo dục có đặc thù của nó, người làm giáo dục ngoài cái tâm cần có sự hiểu biết căn bản, tư duy và định hướng về giáo dục và đào tạo. Sản phẩm giáo dục là con người, nếu bị sai lệch thì nguy hại cho cá nhân và xã hội.
Nhiều năm trước tôi có cơ hội tiếp cận với một số trường đại học tư tại Việt Nam, có trường đã đi vào hoạt động, có trường thì đang trong giai đoạn thành lập. Phần lớn nhân sự tham gia có thể chia làm 2 thành phần chính. Một, những người có tiền và muốn đầu tư giáo dục, nhìn giáo dục theo góc độ kinh doanh. Hai, các nhà giáo dục thuần túy, ít quan tâm đến tài chính.
Trong quá trình hoạt động, dễ nẩy sinh ra mâu thuẫn, thường là nhóm có tiền thắng vì cổ đông đa số quyết định. Kết quả thì nội bộ trường bị chia rẽ, chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng, kéo theo sự giảm sút uy tín của trường.
Theo tôi nhà đầu tư không nhất thiết phải tham gia sâu vào việc điều hành trường, khả năng chọn các nhà quản lý giáo dục chuyên nghiệp để điều hành trường thì kết quả sẽ tốt hơn.
Là một nhà kinh doanh rất bận rộn với công việc khác nhau, vì sao ông vẫn dành khá nhiều thời gian cho giáo dục, cho việc tư vấn từng sinh viên, từng học sinh, để tìm ra ngôi trường tốt nhất? Triết lý sống của ông là gì, để có thể tận hiến với cuộc đời?
Ông Trần Đức Cảnh: Có cơ hội giúp các bạn trẻ vào những trường hàng đầu Mỹ với tôi rất là thú vị. Thay vì chọn nghề dạy học tôi thích nói chuyện với nhiều người trẻ, cập nhật thêm nhiều điều mới lạ.
Ở Mỹ tôi thường phỏng vấn hay tổ chức phỏng vấn rất nhiều ứng viên cho đại học Harvard, tư vấn và giới thiệu ứng viên với các trường. Rất hạnh phúc khi nhìn thấy một người trẻ có được điều kiện phát huy hết tiềm năng của mình, còn ngược lại thì lắm khi cũng khó chịu và bực bội, như thể là của chính mình.
Từ kinh nghiệm cá nhân, môi trường giáo dục ông được trải nghiệm đã mang lại sự thay đổi mạnh mẽ trong suy nghĩ của ông như thế nào? Ông có thể chia sẻ những bài học đắt giá cho những phụ huynh khi cho con du học nước ngoài?
Ông Trần Đức Cảnh: Không ít phụ huynh hỏi tôi là có nên cho con cái đi du học sớm, từ lớp 8 hay 9 chẳng hạn. Câu trả lời là còn tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh và mong muốn của mỗi gia đình, cùng với sự chuẩn bị của học sinh.
Ngoài khả năng ngoại ngữ và học tập để bắt kịp chương trình khi sang học ở trường Mỹ, tâm lý ổn định khi phải sống xa nhà cũng quan trọng không kém.
Cũng may là chúng ta đang ở thời đại công nghệ, Facetime, Skype hay Viber, có thể liên lạc với con cái hằng ngày, đến nỗi có nhiều học sinh không muốn gia đình gọi quá nhiều ảnh hưởng đến việc học và sinh hoạt.
Trường hợp của học sinh Việt Nam tại Mỹ hiện nay, tương tự như Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc ở những năm 70, 80 thế kỷ trước mà tôi biết. Lúc đó điều kiện kinh tế các nước này phát triển tốt, nhưng nhiều gia đình có tiền không hài lòng với nền giáo dục khi đó, nên gửi con em sang Mỹ học.
Không ít gia đình gửi con cái sang học các trường trung học Mỹ ở độ tuổi 14, 15. Cũng may là các trường trung học tư của Mỹ họ lo ăn ở và chăm sóc học sinh nội trú rất tốt, tuy nhiên vẫn có trường hợp học sinh bị bệnh trầm cảm nặng, phải nghỉ học về nước.
Theo tôi, gia đình và học sinh nên có sự chuẩn bị tốt khi muốn cho con đi du học, bình thường cũng phải mất 1-2 năm, khả năng ngoại ngữ, thi TOEFL, IELTS, khảo sát trình độ học vấn qua SSAT hay SAT, và chuẩn bị tâm lý du học.
Nếu học sinh nội trú ở các trường tư thì đơn giản hơn, trường sẽ sắp xếp ăn ở và chương trình học tập. Một số trường hợp thì học sinh ở chung với gia đình (host family) người bản xứ, nếu là chương trình Giao lưu văn hóa (1 năm) thì tổ chức giáo dục sẽ sắp xếp, còn du học tự túc thì phải tự lo.
Có những trường hợp ở chung với gia đình người bản xứ gặp rắc rối do: thiếu phương tiện đến trường, thức ăn không hợp, bất đồng ngôn ngữ hay văn hóa giao tiếp… buộc phải thay đổi chỗ ở hay chuyển trường, thậm chí về nước.
Một số sang ở nhà người thân để đi học, cũng có trường hợp bị sốc văn hóa, hiểu biết, tình cảm dẫn đến xung đột. Khi xảy ra những sự cố như thế, dễ gây sốc tâm lý cho học sinh. Môi trường và giao tiếp ban đầu ở Mỹ rất quan trọng, sẽ ảnh hưởng tốt-xấu không ít đến tâm lý học sinh lâu dài.
Ông có hy vọng 5 – 10 năm tới, mô hình du học tại chỗ sẽ làm giảm thiểu cơn sóng di cư giáo dục, di cư chất xám và di cư tiền bạc?
Ông Trần Đức Cảnh: Như đã đề cập trên, các nước phát triển trong khu vực châu Á hiện nay như Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc)… đã từng gửi một số lớn học sinh, sinh viên sang Mỹ du học 4-5 thập niên trước và hiện vẫn tiếp tục. Một số tìm cơ hội làm việc ở Mỹ hay các nước sau khi tốt nghiệp, một số về nước.
Cả hai nguồn lực “ở và về” giai đoạn đó đều đóng góp không nhỏ cho sự phát triển đất nước họ sau này. Du học sinh Việt Nam có thể ở trong điều kiện khác hơn, nhưng tôi vẫn tin là họ sẽ là nguồn lực đóng góp lớn cho phát triển đất nước.
Trong một thế giới mở, việc làm trong hay ngoài không còn là vấn đề cho những người được đào tạo bài bản, có chuyên môn và kiến thức cao, quan trọng là họ có môi trường để phát huy.
Việt Nam hiện nay có số lượng du học sinh rất lớn, không riêng ở Mỹ mà các nước khác như Úc, New Zealand, Canada, Anh… Tổng chi phí phải trả cho việc du học rất cao, ước tính khoảng 4 tỷ USD mỗi năm. Chỉ cần một nửa số tiền này, Việt Nam có thể đầu tư xây dựng 8-10 trường chất lượng (mô hình giáo dục tiên tiến) mỗi năm, chỉ cần khoảng 10 năm thì giáo dục Việt Nam sẽ khác hẳn bây giờ.
Du học lúc đó có thể không cần thiết cho số lớn học sinh, sinh viên, mà chỉ cho những ngành nghề hay nghiên cứu cần thiết ở các trường Việt Nam. Nếu đầu tư giáo dục có định hướng và mục tiêu phát triển đất nước lâu dài, thì lực lượng du học sinh là nguồn lực vô cùng cần thiết và quan trọng.
Xin cám ơn ông!
Nguồn: http://theleader.vn/san-pham-giao-duc-la-con-nguoi-neu-bi-sai-lech-se-nguy-hai-cho-xa-hoi-20180509063606432.htm