Tự lập và năng khiếu là giá trị cốt lõi - Tư vấn du học NEEC

Blog

Tự lập và năng khiếu là giá trị cốt lõi

Thế giới tiếp thị – Là chuyên gia chính sách công tại bang Massachusetts, Mỹ trong nhiều năm, cầu nối chương trình Fulbright với Việt Nam từ giai đoạn đầu, và đang cùng nhóm chuyên gia soạn thảo đề án Phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam. Trở về nước đầu tư nhiều dự án, nhưng tận thẳm sâu, mọi nỗ lực của ông đều dành cho sự nghiệp trồng người.

Hơn mười năm làm công tác tư vấn tuyển sinh cho đại học Harvard, theo ông, sai lầm lớn nhất của cha mẹ ở Việt Nam trong việc giáo dục con là gì?

Văn hóa phương Đông có những cái hay nhưng nền giáo dục mang tính áp đặt, áp lực gia đình và xã hội theo hướng rập khuôn, triệt tiêu năng khiếu và tính sáng tạo từ sớm, tạo ra lỗ hổng rất lớn trong phát triển tiềm năng con người.

Cha mẹ hơn ai hết hiểu rõ con cái mình, nên cố gắng tạo cơ hội trong khả năng có thể để chúng phát triển tốt, có sự chọn lựa và sống đúng với con người của chính nó, đó là giá trị cốt lõi nhất…

Ngay cả những người vượt lên được từ khó khăn, khi làm được những chuyện lớn cũng phải trả giá, họ có thể độc đoán hơn, duy ý chí hơn ngay cả trong cuộc sống bình thường, đem tư duy của một giai đoạn khó khăn áp đặt cho mọi người. Phải có những con người được giáo dục trong môi trường ổn định, sâu sắc và sáng tạo mới tạo ra một xã hội phát triển cân bằng.

Ông vừa nói đến những đứa trẻ không biết mình muốn gì đang chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong xã hội hiện nay?

Trong xã hội Mỹ ngay từ lớp mẫu giáo đã khuyến khích trẻ sự tự do sáng tạo, vẽ con gà ba chân cũng không bị cô giáo rầy. Nếu giáo dục ép vô khuôn quá sớm sẽ triệt tiêu sáng tạo và tính đa dạng của toàn xã hội. Muốn làm được một bài văn lớp 9, không phải học văn mẫu mà phải đọc rất nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng. Một câu hỏi lớn đặt ra cho giáo dục Việt Nam muốn đào tạo một con người như thế nào trong tương lai? Muốn đi theo một cái khung cứng ngắc nào đó, hay một triết lý giáo dục cốt lõi thúc đẩy năng khiếu, sự sáng tạo và linh động trong thế giới hội nhập.

Nhưng cũng có nhiều phụ huynh dị ứng vì nền giáo dục Mỹ đang tạo ra một xã hội quá thực dụng?

Xã hội Mỹ tuy rất thực dụng, cái gì ứng dụng hiệu quả là họ khai thác, nhưng không hẳn là xã hội chạy theo vật chất như một số đã nghĩ. Họ đầu tư rất lớn cho nhân văn, xã hội và khoa học kỹ thuật. Từ một chủ doanh nghiệp đến một nhà văn, nhà khoa học bài bản đều dựa trên triết lý làm ra những sản phẩm tốt nhất, những tác phẩm tuyệt vời, từ đó vật chất sẽ tự nhiên tới.

So sánh vấn đề giữa Việt Nam và Mỹ, một số người trẻ đang có sự hiểu lầm rất lớn. Một cá nhân hay một xã hội có nên tảng vững sẽ đi xa hơn. Còn năng lực yếu mà làm gì cũng muốn bằng mọi giá để kiếm tiền nhanh, chạy theo vật chất, hào nhoáng nhất thời thì chỉ có đổ vỡ. Một ông tỉ phú làm việc cật lực, nhưng có thể ăn mặc và lái chiếc xe rất bình thường, khi qua đời, một phần để lại cho con cháu và phần còn lại đóng góp cho xã hội. Họ không quan trọng sự giàu sang lắm, giá trị hơn sự giàu sang gấp nhiều lần đó là tạo ra sản phẩm có giá trị cho xã hội…

Chúng ta đang ở giai đoạn chuyển tiếp và hội nhập, có vô vàn điều hay để hướng tới, nhưng đồng thời sau lưng nó là cả một hành trang nặng nề phải xử lý. Tuổi trẻ không dễ dàng nhận thức hết vấn đề, có thể bị choáng về chuyện lịch sử, và phải đối mặt với những thử thách mới. Hơn ai hết, chính tuổi trẻ phải xác định sớm là mình muốn gì? Mình sẽ sống như thế nào? Ý nghĩa và giá trị cuộc sống? Cố gắng tập trung vào việc có giá trị, xuất phát từ sở thích đam mê, tập trung xây dựng và khai thác nó, trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực nào đó… thì vật chất sẽ tới. Không làm một việc gì tới nơi tới chốn thì đừng nghĩ tới tiền.

Theo ông khủng hoảng lớn nhất với giới trẻ hiện nay là gì? Internet có giúp họ xóa được cách biệt ấy?

Nếu không trang bị cho thế hệ trẻ một số căn bản, có thể bị choáng ngợp vì số lượng thông tin, chưa nói đến khả năng phân định giá trị nội dung của nó. Giáo dục phần nào bị cắt khúc, đứt đoạn nên khi ráp lại chưa chắc đã chuẩn, kiểu học nhanh, học lóm để dẫn đến thiếu một nền tảng căn bản. Cách tốt nhất là có một lớp người đi trước, có khả năng hướng họ theo một xã hội có tri thức. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, ngay lực lượng trí thức cũng đang lúng túng, khủng hoảng. Hy vọng thế hệ trẻ với khả năng nhận thức, sẽ giúp họ tiếp cận thông tin thế giới nhiều và hiệu quả hơn. Những triết lý sống, hình tượng mẫu ngày càng nhiều, càng đa chiều, vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Chỉ cần giáo dục được tổ chức đàng hoàng lại thì tôi tin xã hội sẽ tự điều chỉnh.

Phải chăng vì thế mà một doanh nhân như ông đã hơn mười năm nay theo đuổi việc giúp cho giới trẻ trong nước có điều kiện tiếp cận với các đại học hàng đầu như Harvard, MIT, Chicago, Wellesley…

Hiện có hơn 16.000 người Việt đang học ở Mỹ, nhưng tỷ lệ học ở top 100 trường còn thấp, top 20 còn thấp hơn nhiều…

Để chuẩn bị du học, ngoài khả năng học vấn và ngoại ngữ, phần quan trọng không kém là chuẩn bị tâm lý. Phải biết mình muốn gì, phát triển theo hướng nào, mục tiêu cho sự nghiệp tương lai rõ ràng và khả năng hội nhập vào môi trường xã hội mới.

Lợi thế ở các trường hàng đầu, ngoài điều kiện và khả năng học thuật tốt, là xây dựng mối quan hệ trong thời gian học có thể mang giá trị lớn trong tương lai. Sự giúp đỡ của các thế hệ đàn anh, giáo sư là tài sản vô giá nếu biết tận dụng.

Mong muốn của tôi là thông tin về các trường bên Mỹ được phổ biến hơn, những trang web hay phương tiện khác có thể chia sẻ thông tin giữa các bạn trẻ quan tâm đến lớp người đi sau về các trường đại học danh tiếng, giúp tạo một lực lượng sinh viên Việt Nam ưu tú và đẳng cấp hơn trong tương lai.

Xã hội Mỹ rất đa dạng, nhưng cũng rất đẳng cấp. Học ở đâu, làm công việc gì là hai câu nói bắt đầu của các cuộc giao lưu, dù là công việc hay giao tiếp xã hội, xác định đẳng cấp trước khi bắt đầu. Tính thực dụng này qua sự giao du là bước đầu cho quan hệ tương lai. Đặt chân vào những trường top, tuy không có gì bảo đảm, nhưng là bước đầu của khả năng thành công.

Tôi muốn nhìn thấy sự phát triển của sinh viên Việt Nam ra thế giới thông qua những công việc một cách thiết thực và cụ thể nhất, bắt đầu từ sự đánh giá đúng năng khiếu, tiềm năng phát triển của từng cá nhân. Với tôi không phát triển đúng tiềm năng của một cá nhân đã là một phí phạm lớn, nói gì đến cả một thế hệ.

Ngoài công việc liên quan đến giáo dục, ông còn là doanh nhân với nhiều dự án lớn về du lịch, khách sạn. Mục đích kinh doanh của ông là gì?

Quan trọng là tạo ra một sản phẩm có chất lượng và độc đáo nhất có thể, đáp ứng nhu cầu người sử dụng là khách du lịch cao cấp. Triết lý kinh doanh của tôi là kinh doanh hiệu quả, kết hợp với thiện chí xã hội (philanthropist), theo tinh thần của một số nhà kinh doanh ở Mỹ đã làm.

T.Nguyên – K. Yến thực hiện

Hoàng Tường họa chân dung

Bạn đã sẵn sàng để du học?

NEEC là đối tác và hỗ trợ lộ trình du học, nộp hồ sơ vào các trường Trung Học - Đại Học hàng đầu nước Mỹ, Canada
Liên hệ ngay Hẹn tư vấn